HĐND thành phố Hà Nội thông qua 15 nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp thứ 19, hôm nay, HĐND TP Hà Nội xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô năm 2024.

Với đa số phiếu tán thành, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hàng năm cho quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất, theo đúng quy định và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhanh gọn, hiệu quả.

HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại Luật Thủ đô trên địa bàn thành phố. Theo đó, đối tượng áp dụng là chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước liên quan đến việc thi công, quản lý, sử dụng công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định tại khoản 2, Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.

Cụ thể, “Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đây:

- Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

- Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;

- Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;

- Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động;

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

- Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.

Với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” đã được 100% đại biểu có mặt thông qua. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2027 sẽ hình thành Trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp với 09 chức năng; lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi tại 60 nút và vị trí trên các tuyến vành đai 1,2,3, các trục xuyên tâm bên trong vành đai và vận hành thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh.

Kỳ họp thứ 19 HĐND Thành phố đã thông qua 15 Nghị quyết quan trọng để thi hành Luật Thủ đô và 4 nội dung để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp thiết của thành phố. Bao gồm: Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội; Quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội; Quy định hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện.

Đáng chú ý, trong đó có việc dự kiến chi trên 46 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với một số cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024; Quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên ngân sách thành phố để thực hiện mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội.

(Nguồn:hanoionline.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website