Hà Nội quyết liệt ngăn chặn hành vi vi phạm về trật tự xây dựng

TP. Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Quy định này kỳ vọng tạo hành lang pháp lý cần thiết, ngăn chặn hành vi vi phạm vẫn đang xảy ra.

Yêu cầu cắt điện nước các công trình vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có quy định (Khoản 2, Điều 33): "Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh".

TP. Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý hoàn thiện quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh minh họa: VGP/Thùy Chi

Hiện TP. Hà Nội đang lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội, cụ thể hóa quy định này. Nghị quyết quy định một số trường hợp áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung trong giấy phép, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng…; nhóm công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy; Nhóm công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền...

Trước đó, ngày 22/7/2024, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định "biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm" phải ban hành trước ngày 1/1/2025, để kịp thời có hiệu lực cùng với Luật Thủ đô.

Lý giải về sự cần thiết ban hành quy định này, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, đơn vị soạn thảo dự thảo nghị quyết cho biết, thời gian qua, vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy ngày càng phức tạp. Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận chủ đầu tư, người dân rất hạn chế, thậm chí lợi dụng kẽ hở pháp luật để tìm cách vi phạm.

Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm quy định quản lý đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Trong khi việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả vi phạm khó thực thi do thiếu quy định.

Đồng tình với các lý do trên, nguyên Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nghi cho hay, khi xử lý các công trình vi phạm, UBND thành phố Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng tiến độ chậm, xử lý không dứt điểm. Chủ đầu tư không tự giác khắc phục… nên việc bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước sẽ tác động mạnh đến ý thức chấp hành của đối tượng vi phạm.

Cần làm rõ, quy định cụ thể 8 trường hợp bị cắt điện, nước

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, theo Hiến pháp, người dân được quyền cung cấp điện, nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng biện pháp cắt điện, nước khi xử lý vi phạm là "trường hợp cần thiết".

Khoản 2 Điều 33 Luật Thủ đô quy định: "Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định từ Điểm a đến Điểm g Khoản 2". Dự thảo nghị quyết đã quy định cụ thể 8 trường hợp công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần thiết áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, thực tế, quy hoạch là khái niệm rất rộng, Hà Nội đang thực hiện quy hoạch tích hợp (bao gồm cả không gian xây dựng và các ngành dịch vụ, văn hoá, du lịch…) dẫn đến trường hợp nếu không vi phạm quy hoạch xây dựng thì cũng vi phạm không gian văn hoá… Do vậy, cần làm rõ "sai quy hoạch" ở đây là sai quy hoạch nào? TS. Đào Ngọc Nghiêm cũng băn khoăn, năng lực cán bộ có đủ để nhận diện được sai quy hoạch không và đề nghị xem xét lại thẩm quyền này.

Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế được phê duyệt, xây dựng không phép hoặc xây dựng trên đất lấn chiếm, thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy… dự thảo quy định trường hợp cần thiết áp dụng là khi công trình đã bị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công bằng văn bản nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.

Với nhóm công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động, hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke… không bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là công trình đã bị đình chỉ hoạt động nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành.

Đối với các công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền, dù không phải là hành vi vi phạm nhưng việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước là cần thiết, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân sống trong công trình sắp sập đổ.

Góp ý đối với trường hợp này, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, cần bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế. Bởi nếu thuộc trường hợp khẩn cấp và nguy hại đến tính mạng mà cơ quan chức năng lại tiếp tục cho ở, chỉ cắt mỗi điện, nước là chưa đầy đủ. Khi cơ quan chức năng đã thuyết phục, có quyết định nhưng không di dời thì biện pháp khẩn cấp phải là cưỡng chế.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh phân tích thêm, đối với thời hạn lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, cũng như thực hiện ra quyết định, thực hiện quyết định 6-7 ngày là quá dài, vì trong thời gian đó công trình vi phạm chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện với tốc độ cao, sẽ gây ra hệ lụy lớn. Do đó, ông Dĩnh cho rằng nên rút ngắn thời gian hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.

Việc thực hiện phải bảo đảm đúng quy định và "chuẩn mực"

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh góp ý thêm, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi, làm rõ thêm về số liệu, thực trạng về vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy để thấy rõ hơn sự cấp thiết khi ban hành Nghị quyết. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân ở gần có hành vi cung cấp điện, nước cho trường hợp vi phạm, thuộc diện đã bị ngừng cung cấp điện, nước.

Đồng tình với việc cần xem xét kỹ về "thẩm quyền áp dụng", ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội - cho rằng: "Việc phân cấp là cần thiết, nhưng có nên trao quyền cho lãnh đạo xã, phường khi trình độ còn chưa đủ, thậm chí còn yếu". Ông Quang cũng đề nghị, sự phân cấp này cần bổ sung chế tài kiểm tra chéo, để kiểm soát việc thực thi ở cấp phường, xã rõ hơn.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là rất cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước, diện mạo đô thị Thủ đô, cũng như liên quan trực tiếp đến an sinh và an ninh của nhân dân. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ, không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, bà An nhấn mạnh, việc giám sát, thực hiện quy định cần đúng đối tượng, công bằng. Vì đây là nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các đối tượng vi phạm nên việc thực hiện phải chuẩn mực, tránh áp dụng sai. Muốn vậy cần công khai các công trình vi phạm, thông tin về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc cấp tương thích và người dân giám sát, hỗ trợ cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật.

Bàn về tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho biết, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm vi phạm hành chính, giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, tài sản của người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Dự kiến, ngày 19/11, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19), HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, cho ý kiến về Nghị quyết này.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website