Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản liên tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đào tạo. Tháng 11/2024, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ 2 nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Về hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, từ năm 2010, MOC và MLIT đã ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác riêng trong lĩnh vực phát triển đô thị, thoát nước và xử lý nước thải, đào tạo công nhân ngành Xây dựng... Đến năm 2015, hai Bộ đã ký kết Biên bản hợp tác tổng thể 3 năm 2015-2018 trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị với các nội dung thúc đẩy hợp tác trong phát triển đô thị sinh thái, đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng, thoát nước và xử lý nước thải, dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, quản lý an toàn lao động, chất lượng công trình, nhà ở và thị trường bất động sản, quy hoạch đô thị... Bản hợp tác này đã được Bộ trưởng 2 Bộ ký kết, tiếp tục kéo dài 3 năm từ 2018-2021. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên chưa tổ chức ký kết gia hạn Biên bản này. Hai bên đang xem xét ký kết gia hạn Biên bản trong năm 2025.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, chỗ ở là nhu cầu thiết yếu, quyền cơ bản của con người và đã được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam; thị trường bất động sản là một trong những thị trường có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Chính vì vậy, Việt Nam luôn tập trung, quan tâm đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản và hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đang tổ chức triển khai thực hiện nhiều chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp; chương trình phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao (đường cao tốc Bắc-Nam; đường sắt cao tốc 300km/h...); nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản của người dân của xã hội; thị trường bất động sản đã đang phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc huy động nguồn vốn, tạo lập quỹ đất và thúc đẩy doanh nghiệp trong việc phát triển nhà ở xã hội dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp; phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao; điều tiết thị trường bất động sản... vì vậy, Việt Nam luôn mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, hội nghị Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 về xây dựng là diễn đàn quan trọng để MOC và MLIT trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật; đề ra cơ chế huy động được nguồn vốn trung hạn và dài hạn, tạo lập được quỹ đất và thúc đẩy được các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội dành cho người nghèo và người có thu nhập thấp; phát triển hạ tầng chiến lược, hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao; quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Chính phủ Nhật Bản và MLIT. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ chia sẻ về nhu cầu phát triển và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp xây dựng hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Yosuke Tsutsumi nhấn mạnh quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời cho biết, thời gian qua 2 nước đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật…
Theo Phó Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Yosuke Tsutsumi, trên cơ sở quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư, triển khai dự án. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng của Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm khi xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống và hi vọng sẽ giúp ích nhiều cho Việt Nam giải quyết các thách thức trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh, nhà ở, thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thu hút lao động ngành Xây dựng của Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (MOC) giới thiệu “Luật Nhà ở 2023, các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thị hành Luật Nhà ở 2023”; “Hệ thống pháp luật về quản lý bất động sản tại Việt Nam”; Giám đốc điều phối quan hệ đối tác quốc tế, Cục Kinh tế xây dựng và bất động sản (MLIT) giới thiệu “Hệ thống quản lý nhà chung cư cao cấp tại Nhật Bản”; Giám đốc cấp cao, Ban Thị trường quốc tế, Cục Kinh tế xây dựng và bất động sản (MLIT) chia sẻ những sáng kiến gần đây của Nhật Bản về cải cách phong cách làm việc và tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài trong ngành Xây dựng.
Bên cạnh đó, các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp 2 nước cũng trình bày các tham luận giới thiệu về doanh nghiệp và các dự án đầu tư trong thời gian tới, như: Giới thiệu về Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và các dự án phát triển đô thị của HUD, tiềm năng hợp tác giữa HUD và các công ty bất động sản Nhật Bản; Giới thiệu về SJ Group và các dự án phát triển đô thị của SJ Group, tiềm năng hợp tác giữa SJ Group và các công ty bất động sản Nhật Bản; Tokyu Garden city tại Bình Dương; Visaho cung cấp dịch vụ nâng cao “giá trị công trình.
Kết thúc hội nghị, đại diện Ban tổ chức cảm ơn lãnh đạo, chuyên gia và đại biểu khách mời 2 Bộ đã tham dự và chia sẻ nhiều thông tin bổ ích tại hội nghị; đồng thời đánh giá Hội nghị Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 về Xây dựng một trong những hoạt động thiết thực góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện, chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng cho châu Á và trên thế giới giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và giữa MOC và MLIT nói riêng.