Hội thảo Việt - Nhật về giải pháp chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng Việt Nam (MOC)) và Tổng cục Cấp thoát nước (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT)) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo Việt - Nhật về giải pháp chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, khó dự đoán, khiến các đô thị luôn đối diện với nguy cơ ngập lụt, tổn thất về người và tài sản. Do đó, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp nước, thoát nước ở các đô thị nhằm chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Toàn cảnh hội thảo

Từ năm 2010, MOC và MLIT đã ký kết “Biên bản Hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải”. Đây là cơ sở quan trọng để MLIT đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật xây dựng các chính sách thoát nước và xử lý nước thải, rà soát, đánh giá tình hình thoát nước, ngập úng đô thị, đồng thời định hướng để JICA hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện. Với sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của MLIT, JICA, hiện nay Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư xây dựng, phát triển công trình thoát nước chống ngập úng đô thị theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội thảo Việt - Nhật về giải pháp chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu giới thiệu các giải pháp phát triển kỹ thuật (các dự án hệ thống thoát nước ở Thành phố Yokohama; các biện pháp đối phó tại Thành phố Hải Phòng; giải pháp bơm ngập úng, kiểm soát lũ lụt do biến đổi khí hậu của bơm Torishima, KUBOTA; giải pháp quản lý tài sản thông minh và nước mưa...), đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề chống ngập trong lĩnh vực thoát nước ở Việt Nam cũng như ở Nhật Bản nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Matsubara Hidenori - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cấp thoát nước (MLIT) đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa MOC và MLIT trong những năm qua, đồng thời cho biết, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án trong các lĩnh vực cấp thoát nước, Nhật Bản còn cử chuyên gia JICA hỗ trợ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, trong đó có Luật Cấp thoát nước.

Với sự tham dự của đông đảo nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, đại diện chính quyền các địa phương 2 nước, Phó Tổng cục trưởng Matsubara Hidenori nhận định Hội thảo này không chỉ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản mà còn góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Lê Thu Thủy - Phó trưởng phòng Quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Cục Hạ tầng kỹ thuật, MOC) nêu tổng quan các nội dung liên quan đến công tác quản lý thoát nước tại Việt Nam, đồng thời cho biết, để nâng cao hơn nữa năng lực ngành cấp thoát nước, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến cấp, thoát nước, xử lý nước thải; chú trọng huy động nguồn lực nhằm nâng cao năng lực lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý nước thải; chú trọng kết hợp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và giải pháp phi công trình khác.

Chia sẻ các quy định chống ngập đô thị tại Nhật Bản, ông HASEGAWA Fumiaki - Giám đốc các dự án cấp thoát nước nước ngoài, Phòng Quy hoạch Cấp thoát nước, MLIT cho biết, năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật mới về “Toàn dân cùng nâng cao khả năng chống chịu thiên tai và phát triển bền vững của lưu vực sông”, nhằm kiểm soát ngập lụt với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan xung quanh lưu vực (Chính quyền thành phố, Ban quản lý lưu vực sông, cộng đồng dân cư); nâng cấp các kế hoạch kiểm soát ngập lụt có cân nhắc đến tác động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy các biện pháp tích hợp và nhiều lớp, bao gồm: phòng chống ngập lụt (cải thiện chức năng lưu trữ nước mưa), giảm thiểu tiếp xúc (hướng dẫn cư dân di dời đến các khu vực có nguy cơ ngập lụt thấp, tuyên truyền về sống an toàn, khoanh vùng các khu vực ngập lụt) và chống chịu thiên tai (cải thiện chất lượng thông tin về sạt lở, ngập lụt, tăng cường năng lực hệ thống sơ tán dân cư, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, ứng phó ngập lụt kịp thời).

Tại hội thảo, chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp, công nghệ chống ngập đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

(Nguồn:moc.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website