Các huyện, thị xã ở Gia Lai cần cập nhật sớm các mỏ khoáng sản để phục vụ thi công xây dựng cao tốc. Ảnh: Thanh Tuấn
Ngày 27.2, ông Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - đã ký công văn gửi đi các huyện, thị xã trên địa bàn yêu cầu rà soát, cập nhật các khu vực mỏ khoáng sản.
Thực tế, thời gian qua, nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị hết hạn giấy phép phải đóng cửa mỏ. Điều này làm gia tăng đáng kể chi phí mua khoáng sản (đất, đá, cát…) để phục vụ xây dựng hạ tầng, các công trình, dự án trọng điểm.
Việc vận chuyển cát, đá ở quãng đường xa từ địa phương khác tới công trường đã đẩy giá vật liệu tăng cao. Một số nhà đầu tư, doanh nghiệp phải gồng gánh chi phí, nếu tính toán phương án xây dựng không hợp lý sẽ đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các huyện, thị xã rà soát, cập nhật các khu vực mỏ khoáng sản vào kế hoạch sử dụng đất năm 2025 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030.
Khi có cập nhật, rà soát, bổ sung, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Các điểm mỏ sẽ hiển thị trên bản đồ khoáng sản của tỉnh, phân bố ở các huyện, nhằm đủ vật liệu cho thi công xây dựng.
Kể từ năm 2025, Gia Lai khởi công, đẩy nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là chuẩn bị sẵn khoáng sản để phục vụ thi công dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Dự án cao tốc nhằm giúp nâng cao năng lực vận chuyển hàng hoá, giao thương giữa Gia Lai và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp yêu cầu các huyện làm việc với các chủ mỏ đã đóng cửa mỏ hoặc đến độ sâu kết thúc khai thác bàn về vị trí đổ thải.
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dự kiến sẽ đổ thải lượng lớn đất đá bị phong hoá, các vật liệu thừa không sử dụng. Việc có vị trí đổ thải vừa phục vụ cho dự án vừa để thuận lợi cho phương án cải tạo, phục hồi môi trường mỏ.