Khắc phục bất cập trong quản lý chất lượng công trình xây dựng

Mới đây, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát với các sở chuyên ngành và một số quận, huyện về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn. Qua giám sát, có thể thấy những khâu, những việc còn yếu kém, bất cập trong công tác này.

Công tác bảo trì có tác động lớn đến tuổi thọ, chất lượng công trình xây dựng.

Thành phố Hà Nội tập trung nhiều loại hình công trình xây dựng, đa dạng thành phần chủ đầu tư và nguồn vốn đầu tư, việc quản lý chất lượng công trình xây dựng liên quan đến nhiều loại hình công trình. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã được các sở, ngành tăng cường, nhưng do số lượng công trình xây dựng nhiều, nguồn lực cán bộ có hạn, kiêm nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc cho nên quy mô kiểm tra thực tế còn ít, chủ yếu kết hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước, hiệu quả quản lý chất lượng công trình chuyên ngành đôi lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đáng lưu ý, một số công trình sau khi đưa vào sử dụng không được bảo trì theo quy định dẫn đến nhanh xuống cấp; một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; một số chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến công tác chất lượng công trình xây dựng, công tác quản lý chất lượng vật tư, vật liệu.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên được các sở, ngành, địa phương xác định là do địa bàn rộng, số lượng công trình được đầu tư nhiều, trong khi đó lực lượng chuyên trách về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các đơn vị và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã còn thiếu.

Ở một số địa phương, cán bộ phòng chuyên môn và ban quản lý dự án còn thiếu và hạn chế về năng lực, do đó vai trò của chủ đầu tư trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng chưa được phát huy hiệu quả. Một số dự án trên địa bàn quận, huyện, thị xã hiện nay còn khó khăn về nguồn vốn đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn tới một số công trình thi công không đúng tiến độ. Tại buổi giám sát về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc lĩnh vực đô thị trên địa bàn, trao đổi với các sở, ngành, địa phương, thành viên đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố đã kiến nghị các ngành chức năng tăng cường hơn nữa kỹ năng kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng. Lâu nay, vấn đề này “thả nổi” cho đơn vị tư vấn giám sát đánh giá, vì chủ đầu tư không có chuyên môn. Ngoài đơn vị tư vấn giám sát thì cần có đơn vị thanh tra công trình trước khi nghiệm thu, sử dụng, nhất là về công tác bảo trì công trình xây dựng, cần phân định rõ trách nhiệm.

Trên cơ sở giải trình của các sở, ngành, quận, huyện, Trưởng ban Đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Đàm Văn Huân đề nghị, các sở chuyên ngành nghiên cứu, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành sửa đổi, bổ sung việc ban hành quy định trách nhiệm về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội để phù hợp với các văn bản mới ban hành của Chính phủ, Bộ Xây dựng và phù hợp tình hình thực tế. Đồng chí Đàm Văn Huân đề nghị, cần có hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình, tăng cường công tác kiểm tra, nhất là kiểm tra trong quá trình thi công và kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan chuyên môn; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong quá trình kiểm tra.

Liên quan đến quản lý vận hành công trình, tại kỳ họp thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) tổ chức vào tháng 10/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành bổ sung Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công (bao gồm quỹ nhà ở, quỹ nhà không để ở và trụ sở) trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, các quỹ nhà thuộc tài sản công trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố là chủ sở hữu có khối lượng, giá trị tài sản rất lớn. Công tác quản lý vận hành các quỹ nhà nêu trên đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, quy trình, định mức cho công tác quản lý vận hành các quỹ nhà thuộc tài sản công chưa được Bộ Xây dựng ban hành.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website