Kiến tạo quy chế mới cho kiến trúc đô thị Vũng Tàu

Sau 10 năm triển khai, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP.Vũng Tàu đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Việc xây dựng một quy chế mới phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương là yêu cầu tất yếu nhằm gỡ vướng cho công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị của thành phố.

Một góc khu đô thị Chí Linh (TP.Vũng Tàu).

Chiếc áo cũ đã chật

Thời gian gần đây, TP.Vũng Tàu tiến hành nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường. Để thực hiện các dự án phải thu hồi toàn bộ hoặc một phần diện tích nhà, đất của người dân. Sau khi thu hồi có những nhà, đất “siêu mỏng”, diện tích còn lại rất nhỏ, hẹp. Trên các miếng đất này một số hộ vẫn có nhu cầu sửa chữa hoặc xây dựng mới để tiếp tục sử dụng, kinh doanh; hoặc nhà nước thu hồi hết đất. Tuy nhiên, cơ chế thu hồi những diện tích này chưa có, trong khi nhu cầu của người dân là chính đáng nhưng cũng khó để đáp ứng do diện tích nhỏ, hẹp, không đủ điều kiện về cấp phép xây dựng...

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, năm 2014, UBND TP.Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị TP. Vũng Tàu. Sau 10 năm triển khai thực hiện, quy chế đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: diện tích tối thiểu được phép xây dựng nhà ở chưa được quy định cụ thể nên gặp khó khăn trong công tác cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; đặc biệt là các lô đất sau khi giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch đường giao thông.

Đồng thời, quy chế cũ chưa có quy định quản lý về trật tự xây dựng, lòng lề đường, biển quảng cáo; các công trình hạ tầng kỹ thuật xây dựng và công trình ngầm; chưa xác định các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù và quy định về quản lý kiến trúc tại các khu vực đó dẫn đến nhiều khu vực quan trọng như khu vực cửa ngõ, các tuyến trục chính, khu vực núi, ven biển chưa có quy định chặt chẽ để kiểm soát.

Ngoài ra, quy chế cũ cũng chưa xác định được các khu vực trung tâm, cần lập thiết kế đô thị riêng, khu vực, tuyến phố cần phải ưu tiên chỉnh trang và các nội dung định hướng về quản lý kiến trúc tại các khu vực đó.

Sau khi Luật Kiến trúc được ban hành năm 2020, quy chế tiếp tục được thực hiện đến hết năm 2021. Sau đó, tỉnh đã ủy quyền cho UBND TP.Vũng Tàu tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.Vũng Tàu theo quy định mới trình UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu là đưa ra những quy định cụ thể nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế như đã nêu trên.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.Vũng Tàu mới đã được thông qua.

Mục tiêu của quy chế nhằm quản lý các hoạt động liên quan đến kiến trúc, xây dựng, cảnh quan đô thị trên địa bàn TP.Vũng Tàu bảo đảm phù hợp với định hướng của quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019 và các đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 được duyệt… Kiểm soát việc xây dựng, khai thác, sử dụng công trình mới, công trình cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi ranh giới TP. Vũng Tàu. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc, cấp phép xây dựng, bảo vệ cảnh quan đô thị và di sản văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị trên toàn TP.Vũng Tàu.

Tạo lập đô thị theo hướng nhìn từ biển

Ông Vũ Hồng Thuấn cho biết thêm, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.Vũng Tàu vừa được thông qua gồm 4 Chương, 17 Điều. Theo quy chế mới, khu vực cửa ngõ đô thị Vũng Tàu xây dựng diện mạo không gian cảnh quan đô thị đồng bộ, hiện đại kết hợp với các công trình điểm nhấn, biểu tượng tại điểm kết nối đô thị với hệ thống giao thông vùng. Hạn chế quy hoạch các khu vực dân cư hiện trạng, chỉnh trang tại các khu vực cửa ngõ.

Các trục không gian chính dọc các tuyến đường 30/4, đường 2/9, đường 3/2 ưu tiên xây dựng các công trình cao tầng, công trình hỗn hợp có kiến trúc hiện đại. Hành lang ven biển tại khu vực Bãi Trước được xác định vị trí công trình điểm nhấn, không tập trung các công trình cao tầng. Hình thành các điểm dịch vụ du lịch đặc sắc, hạn chế che chắn tầm nhìn ra biển và tạo lập hình ảnh đô thị theo hướng nhìn từ biển vào thành phố.

Hành lang ven biển tại khu vực Bãi Sau đến Cửa Lấp sẽ tăng cường tiếp cận của người dân đô thị đến bãi biển. Tổ chức kết nối các khu du lịch ven biển, có không gian tiếp giáp bãi biển bằng các tuyến đường đi bộ, xe đạp và giao thông sạch thân thiện môi trường. Không gian tại các khu đô thị hiện hữu cần cải tạo chỉnh trang hệ thống vỉa hè kết hợp bổ sung các tiện ích đô thị. Khoảng lùi được xác định trong đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phải đảm bảo có sự thống nhất trong tổ chức không gian trên tuyến phố hoặc một đoạn phố.

Với không gian tại các khu đô thị mới sẽ tạo lập cảnh quan các khu vực cửa ngõ đô thị, các trục đường lớn, trục đường chính đô thị, khu vực đô thị mới khang trang, đồng bộ, hiện đại và hài hòa với môi trường, cảnh quan của từng khu vực. Hệ thống vỉa hè, các tiện ích đô thị trong khu vực đô thị mới phải hiện đại, đồng bộ, có đặc trưng riêng và thân thiện môi trường.

Quy chế mới cũng đưa ra các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù như khu vực đồi núi, ven biển, rừng ngập mặn…

(Nguồn:baobariavungtau.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website