Có diện tích mặt nước hơn 5.000 ha, Thị Nại là đầm lớn nhất của tỉnh và lớn thứ nhì cả nước, nơi đây cũng là “vườn ươm” của các loài thủy sản.
Đưa “viên ngọc quý” vào quy hoạch đô thị
Không phải đến khi Bình Định xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà trước đó từ lâu, đầm Thị Nại đã được “để ý”. Đó là khi cầu Thị Nại vượt biển được đầu tư, mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quy Nhơn. Đầm Thị Nại là giao điểm giữa đất liền và bán đảo, liên kết giữa cánh đồng bằng phẳng và núi non, giữa các mạch sông suối và đại dương, tạo thành cảnh quan đặc sắc hiếm có.
Tháng 4.2018, tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch xây dựng khu vực xung quanh đầm Thị Nại, đã thu hút 5 đồ án dự thi đến từ các đơn vị quy hoạch của Úc, Nhật, Pháp, Singapore có liên danh với đơn vị quy hoạch trong nước. Điểm chung của các đồ án là đánh giá đầm Thị Nại giữ vai trò “trái tim” của TP Quy Nhơn, là tài sản có giá trị, cần gìn giữ cho thế hệ sau, và nên quy hoạch phát triển đầm như là một biểu tượng của thành phố.
Ý tưởng quy hoạch đô thị trên cơ sở tôn trọng “bản sắc” và “sức hấp dẫn” của khu vực đầm Thị Nại do liên danh Công ty Deso (Pháp) - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đã được trao giải nhất, trong đó xác định 8 khu vực quanh đầm để triển khai quy hoạch xây dựng.
Thường về Bình Định với tư cách chuyên gia góp ý cho quy hoạch tỉnh, nhưng hơn hết là một người con của Bình Định, nên khi tỉnh xây dựng quy hoạch cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đã nhiệt tình nghiên cứu, làm rõ những lợi thế đặc biệt của Bình Định ở góc nhìn về phía đầm Thị Nại.
Trong một trao đổi ngắn về phát triển đô thị bên lề hội thảo góp ý cho quy hoạch tỉnh hồi đầu năm 2022, TS Trần Du Lịch khẳng định “toàn bộ không gian Quy Nhơn và vùng phụ cận nên được quy hoạch trên trục phát triển xoay quanh đầm Thị Nại”.
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là 1 trong 5 trụ cột phát triển của Bình Định. Và, phát triển, mở rộng TP Quy Nhơn về phía Đông Bắc, lấy đầm Thị Nại là trung tâm đã được cụ thể hóa.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024, tổ chức cuối tháng 3, với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn trên thế giới, TS Trần Du Lịch chia sẻ: “Tôi muốn nhấn mạnh với các nhà đầu tư rằng, đầm Thị Nại - viên ngọc quý của thiên nhiên ban tặng, chính là một lợi điểm mà không đâu có được”.
Quy hoạch chi tiết phía Đông đầm Thị Nại trong ý tưởng dự thi với quan điểm tôn trọng “bản sắc” và “sức hấp dẫn” của khu vực đầm. Ảnh: Sở Xây dựng cung cấp
“Trái tim” của Quy Nhơn
TP Quy Nhơn đóng vai trò chính trong khu vực kinh tế trọng điểm (vùng động lực) của tỉnh. Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay, Thị Nại là trái tim của đô thị thành phố. Quy hoạch mở rộng Quy Nhơn về phía đầm Thị Nại sẽ kết nối thành phố với huyện Tuy Phước, lấy Thị Nại làm trung tâm phát triển. Quy Nhơn - Tuy Phước và khu vực xung quanh đầm Thị Nại là nơi hội tụ mọi yếu tố cảnh quan thiên nhiên đa dạng trong một vùng đất nhỏ. Đây cũng là khu vực tạo động lực phát triển thành phố về hướng Đông Bắc theo định hướng quy hoạch chung TP Quy Nhơn được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 495/QĐ-TTg.
“Thị Nại là đô thị tuyến tính chiến lược, hướng tới giữa phát triển du lịch có kiểm soát và xây dựng đô thị bền vững; bảo tồn cảnh quan tự nhiên của đầm, đồng thời duy trì diện tích rừng ngập mặn tự nhiên. Chiến lược này đón đầu và kiểm soát quy hoạch đô thị để phát triển du lịch xung quanh đầm phá, đồng thời bảo tồn và duy trì hệ sinh thái ngập mặn đặc trưng của đầm, đó là việc kết nối khu vực đang trong quá trình đô thị hóa của bán đảo và đem tới một mặt tiền cảnh quan đặc thù, độc đáo và hấp dẫn”, ông Nam nói.
Tuy nhiên, trong phát triển đô thị về phía đầm Thị Nại, một vấn đề cũng được đặt ra khi nơi đây còn là “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn và vùng phụ cận với các khu rừng ngập mặn, nên cần phát triển đô thị sao cho vẫn hài hòa với tự nhiên, giữ gìn bền vững các lợi thế riêng có.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, trong định hướng quy hoạch có khu dịch vụ du lịch sinh thái đầm Thị Nại tổ chức không gian biệt thự nổi mật độ thấp, trên cơ sở cấu trúc các đìa nuôi trồng thủy sản đã có, phát triển mô hình nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Các công trình với quy mô không quá lớn, không làm mất đi ấn tượng cảnh quan tự nhiên; hệ thống không gian mở là khung hạ tầng xanh…
Trong khi đó, khu đô thị đa chức năng Thị Nại là cấu trúc đô thị mở, nơi diễn ra các hoạt động đầy đủ của một đô thị bình thường, đồng thời là một đô thị du lịch. Tổ chức dải quảng trường và công viên công cộng tại khu vực ven đầm, gắn với bản sắc cảnh quan quan trọng nhất của khu vực - cảnh quan mặt nước đầm và rừng ngập mặn. Đây cũng là không gian và chức năng quan trọng nhất của khu vực, có ý nghĩa quan trọng đối với cả Khu Kinh tế Nhơn Hội.
Còn khu công viên sinh thái ngập mặn Cồn Chim có thể tiếp cận dễ dàng bằng tàu thuyền du lịch, đồng thời xây dựng tuyến cầu đi bộ, kết nối với bờ Đông của đầm Thị Nại. Kết hợp với các điểm du lịch nông nghiệp, các tiện ích du lịch ven đầm nhằm hình thành một chuỗi du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm. Hình thành các tuyến giao thông thủy du lịch để tạo sự hấp dẫn cho du khách. Hệ thống các bến thuyền công cộng hài hòa tự nhiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn từng nhấn mạnh sự độc đáo của đầm Thị Nại - một vùng cảnh quan đa dạng, đặc biệt hấp dẫn. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, Bình Định sẽ khai thác và phát triển nơi này trở thành điểm sáng nổi bật, độc đáo mà không đâu có được với quan điểm vừa phát huy những giá trị sẵn có vừa bảo tồn.