Những giải pháp quy hoạch ưu việt để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Thủ đô

Trước những thách thức do ô nhiễm môi trường gây ra, quy hoạch đô thị bền vững được xem là chìa khóa mở ra tương lai cho một Thủ đô xanh, sạch, văn minh và đáng tự hào.

Thách thức là cơ hội để tái cấu trúc, chuyển mình phát triển mạnh mẽ

Hà Nội với lịch sử hơn một nghìn năm văn hiến, đang bước vào giai đoạn phát triển đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Sự bùng nổ dân số, gia tăng phương tiện giao thông và tốc độ đô thị hóa nhanh đã đặt ra những thách thức to lớn cho chất lượng môi trường sống, bao gồm: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải sinh hoạt và tiếng ồn đô thị ngày càng trở nên cấp bách.

Hà Nội đang bước vào giai đoạn phát triển đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thách thức cũng chính là cơ hội để Hà Nội tái cấu trúc, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển xanh, bền vững và thông minh hơn. Thủ đô Hà Nội không chỉ đặt mục tiêu khắc phục ô nhiễm môi trường, mà còn quyết tâm vươn lên thành một trong những đô thị xanh - sạch - hiện đại hàng đầu châu Á vào năm 2045.

Bằng việc chủ động quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, áp dụng công nghệ số, học hỏi các mô hình thành phố sinh thái tiên tiến trên thế giới và khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa khát vọng đó. Những giải pháp quy hoạch ưu việt, sáng tạo và đồng bộ sẽ là động lực then chốt đưa Thủ đô tiến tới một tương lai xanh, thịnh vượng và bền vững.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, trong thập kỷ qua, Hà Nội liên tục lọt vào danh sách những thành phố có chất lượng không khí thấp nhất thế giới. Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm vượt gần gấp đôi giới hạn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, hệ thống sông, hồ của Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, hồ Tây, hồ Linh Đàm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, lượng nước thải sinh hoạt xả ra các nguồn nước tự nhiên tại Hà Nội lên tới hơn 600.000 m³/ngày đêm, trong đó chỉ khoảng 30% được xử lý trước khi thải ra môi trường. Nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là các làng nghề và khu công nghiệp, vẫn thải trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào các con sông, gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhiều khu vực còn gặp tình trạng ngập lụt vào mùa mưa do hệ thống thoát nước cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu của một đô thị đang phát triển nhanh. Hà Nội hiện có hơn 120 hồ điều hòa, nhưng nhiều hồ bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, xả thải công nghiệp và nước thải chưa qua xử lý. Điều này không chỉ làm mất đi vai trò điều hòa không khí mà còn gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm.

Về vấn đề ô nhiễm chất thải rắn, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), lượng rác thải sinh hoạt của Hà Nội lên đến 7.000 - 8.000 tấn/ngày, trong khi tỉ lệ tái chế còn thấp. Các bãi rác lớn như Nam Sơn, Xuân Sơn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường và nhiều bãi rác không đạt tiêu chuẩn xử lý nước rỉ rác, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm và không khí.

Bên cạnh đó, ý thức phân loại rác tại nguồn của người dân chưa cao, khiến việc tái chế gặp nhiều khó khăn. Thành phố mới chỉ triển khai thí điểm các chương trình phân loại rác tại nguồn ở một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình nhưng chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Chất thải nhựa cũng là một vấn đề đáng báo động khi tỉ lệ tái chế còn thấp, gây áp lực lớn lên hệ thống quản lý rác đô thị…

Cần triển khai hàng loạt giải pháp quy hoạch ưu việt

Mặc dù, Hà Nội đang phải đối diện với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, tuy nhiên điều đáng mừng là Hà Nội đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển mình mạnh mẽ. Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn 2065 đã xác định rõ mục tiêu phát triển đô thị xanh, thông minh. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực môi trường, công nghệ xanh đang phát triển mạnh. Người dân, đặc biệt giới trẻ, ngày càng có ý thức cao trong vấn đề về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nằm trong mạng lưới các thành phố lớn toàn cầu cam kết đạt phát thải carbon bằng "0" vào năm 2050.

Để tận dụng những cơ hội này, Hà Nội đang triển khai hàng loạt giải pháp quy hoạch ưu việt. Trong đó, phát triển mạnh giao thông công cộng thông minh là một trong những nhiệm vụ tiên phong. Hệ thống metro với các tuyến như Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông sẽ là xương sống của mạng lưới giao thông xanh. Xe buýt điện, xe đạp công cộng, bãi đỗ xe thông minh sẽ kết nối đồng bộ, tạo ra mạng lưới giao thông công cộng thân thiện, thuận tiện cho người dân.

TS. Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, chia sẻ: Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm do giao thông ở Hà Nội gây ra, không chỉ cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông công cộng, mà còn phải xây dựng hệ thống vận hành linh hoạt, kết nối liên hoàn giữa metro, xe buýt điện, xe đạp công cộng và giao thông phi cơ giới. Mục tiêu là đưa giao thông công cộng trở thành lựa chọn số một cho người dân.

Cùng với giao thông, Hà Nội định hướng phát triển các khu đô thị không phát thải carbon, sử dụng 100% năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng xanh, hệ thống thu gom nước mưa và trồng cây xanh trên mái nhà, mặt đứng tòa nhà.

Bên cạnh đó, các công viên, quảng trường, hành lang xanh ven sông được quy hoạch tích hợp đa chức năng: làm đẹp cảnh quan, điều hòa không khí, chống ngập và tạo không gian cộng đồng. Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết: Xanh hóa không gian đô thị không chỉ dừng lại ở việc tăng mật độ cây xanh, mà còn phải thiết lập hành lang sinh thái, công viên ven sông, hệ thống hồ điều hòa để tạo mạng lưới xanh liên kết chặt chẽ, bảo đảm luồng không khí tự nhiên, giảm nhiệt đô thị và chống ngập hiệu quả.

Ngoài ra, việc đưa ứng dụng công nghệ số vào quản lý môi trường đô thị cũng là bước đi tất yếu. Các trạm cảm biến IoT, nền tảng Big Data và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp theo dõi chất lượng không khí, nước, tiếng ồn theo thời gian thực, từ đó hỗ trợ chính quyền ra quyết định tức thời, chính xác hơn. Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia về đô thị thông minh khẳng định, việc triển khai hạ tầng dữ liệu lớn, hệ thống cảm biến môi trường, nền tảng quản lý giao thông thông minh sẽ giúp Hà Nội không chỉ nâng cao chất lượng sống mà còn tối ưu hóa chi phí vận hành đô thị.

Để giải quyết vấn đề rác thải, Hà Nội đặt mục tiêu đến 2030, 100% rác thải sinh hoạt được phân loại tại nguồn. Do đó, một trong những giải pháp then chốt là đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn và xử lý chất thải bằng công nghệ đốt rác phát điện. Theo các chuyên gia, việc phân loại rác ngay tại hộ gia đình là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt, chúng ta không chỉ giảm khối lượng rác cần xử lý cuối cùng mà còn biến rác thành nguồn tài nguyên năng lượng sạch.

Hướng tới một Thủ đô xanh - sạch - đáng sống

Theo đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch đô thị đóng vai trò cốt lõi trong việc kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Thủ đô Hà Nội. Việc triển khai các giải pháp như cải thiện hệ thống giao thông công cộng, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, giảm tiếng ồn và mở rộng không gian xanh đã mang lại những hiệu quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong đó, cần xác định chính xác các vai trò của từng cơ quan, doanh nghiệp, người dân theo 6 điểm chính:

Thứ nhất, phân vùng bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị trên cơ sở định hướng của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà nội, căn cứ mức độ và phạm vi tác động môi trường, Thủ đô Hà Nội cần nghiên cứu quy hoạch và phân vùng các phạm vi bảo vệ môi trường chính.

Thứ hai, khẳng định vai trò của chính quyền trong quy hoạch đô thị bền vững. Cính quyền thành phố cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, đảm bảo yếu tố môi trường được tích hợp vào mọi quyết định phát triển hạ tầng.

Việc xây dựng các khu đô thị thông minh, xanh và bền vững cần được ưu tiên, với những tiêu chuẩn chặt chẽ về sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch giao thông công cộng và kiểm soát ô nhiễm không khí; Ban hành thêm các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ không gian xanh, hạn chế xây dựng tràn lan làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đô thị.

Thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Nghị định 08/2022/NĐ-CP về quản lý môi trường đô thị và các chính sách liên quan.

Thứ ba, thể hiện vai trò của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường đô thị. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và xây dựng, từ đó giảm thiểu lượng khí thải, nước thải và rác thải công nghiệp. Do đó, các công trình xây dựng mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, có hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, hạn chế sử dụng vật liệu có hại cho môi trường.

Các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ tái chế, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu lượng chất thải đô thị; tăng cường hợp tác với chính quyền trong các dự án môi trường như hệ thống quan trắc không khí, nước thải và ứng dụng công nghệ số trong quản lý môi trường đô thị.

Thứ tư, khẳng định vai trò của cộng đồng cư dân trong bảo vệ môi trường. Người dân cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phân loại rác tại nguồn, tiết kiệm nước và năng lượng.

Tăng cường ý thức cộng đồng đóng vai trò quyết định trong việc giữ gìn môi trường sống trong lành cho chính họ và thế hệ tương lai; Tham gia tích cực vào các chương trình cộng đồng như "Ngày Chủ nhật xanh", "Giảm rác thải nhựa", "Trồng một triệu cây xanh" để góp phần bảo vệ môi trường đô thị; Hợp tác với chính quyền và doanh nghiệp trong giám sát thực thi các chính sách môi trường, phản ánh kịp thời những vi phạm qua các nền tảng số.

Thứ năm, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đô thị bền vững thế giới. Hà Nội cần nghiên cứu và áp dụng các mô hình quy hoạch đô thị bền vững từ các thành phố lớn như Singapore, Tokyo, Copenhagen nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và bảo vệ môi trường; Thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo sự phát triển bền vững; Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và phát triển giao thông công cộng.

Thứ sáu, đẩy mạnh xây dựng thành phố thông minh, sử dụng công nghệ. Theo đó, Hà Nội cần phát triển mô hình thành phố thông minh, tích hợp công nghệ số vào các lĩnh vực giao thông, quản lý môi trường, giám sát năng lượng và dịch vụ đô thị; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong giám sát ô nhiễm không khí, chất lượng nước và mức độ tiếng ồn để đưa ra cảnh báo và giải pháp kịp thời; Triển khai hệ thống đèn đường thông minh sử dụng năng lượng mặt trời và các thiết bị cảm biến giúp tiết kiệm điện năng; Áp dụng công nghệ vật liệu xanh trong xây dựng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng.

Quy hoạch đô thị không chỉ là công cụ quản lý hạ tầng mà còn là giải pháp căn bản để bảo đảm môi trường sống trong lành, bền vững. Nếu được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, Hà Nội có thể trở thành một thành phố hiện đại, xanh, sạch và đáng sống, vừa bảo tồn giá trị lịch sử, vừa phát triển theo hướng thông minh và thân thiện với môi trường.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, các giải pháp như xây dựng thành phố thông minh, mở rộng không gian xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ trong kiểm soát môi trường cần được triển khai mạnh mẽ. Đồng thời, thành phố Hà Nội cần thực thi các chính sách nghiêm ngặt, doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm môi trường và người dân cần chung tay hành động vì một Hà Nội xanh, sạch, bền vững. Nếu thực hiện tốt các chiến lược này, Hà Nội sẽ trở thành một đô thị đáng sống, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế mà vẫn giữ được sự hài hòa với thiên nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.

Dẫu còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn xã hội và việc ứng dụng những giải pháp quy hoạch tiên tiến, Hà Nội hoàn toàn có thể vươn mình trở thành thành phố xanh – sạch – thông minh đẳng cấp khu vực vào năm 2045 - 2065. Đó không chỉ là mục tiêu phát triển kinh tế, mà còn là cam kết bảo vệ môi trường sống cho thế hệ hiện tại và tương lai. Một Hà Nội xanh hơn, sạch hơn, văn minh và bền vững đang dần hình thành từ những nỗ lực hôm nay.

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website