Nhà để xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, thành phố có 1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch, nhưng mới có 72 bãi đỗ đi vào hoạt động, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh phải đạt từ 3-4% diện tích đất xây dựng đô thị, nhưng thực tế mới đạt 0,5%. Tình trạng thiếu trầm trọng bãi đỗ xe góp phần dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Do thiếu hụt quỹ đất giao thông tĩnh, trong khi phương tiện cá nhân, nhất là số lượng xe ô tô cá nhân tăng lên từng ngày, nên nhiều người tận dụng đủ mọi chỗ để làm bãi gửi xe.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hình thành những bãi đỗ xe trái phép, không bảo đảm an toàn, thu phí cao nhiều lần giá quy định… diễn ra phổ biến. Trước đây, việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe được coi là lĩnh vực rất "hot", nhưng giờ đã ảm đạm, ít dần nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư các bãi đỗ xe, bởi số tiền bỏ ra rất lớn, trong khi thu về nhỏ giọt.
Tuy nhiên, những khó khăn này đang từng bước được tháo gỡ sau khi Luật Thủ đô 2024 được thông qua. Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, liên quan việc bổ sung cơ chế đầu tư bãi đỗ xe cao tầng và ngầm, trong Luật Thủ đô 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nội dung liên quan thay thế Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, khai thác bến bãi đỗ xe và các phương tiện cơ giới.
Ủy ban nhân dân thành phố đang giao Sở Giao thông vận tải xây dựng cơ chế, bởi trong cơ chế của Luật Thủ đô có đề cập tạo tiền đề thu hút đầu tư trên địa bàn. Cùng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu nội dung đấu giá quyền khai thác và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thông qua việc sử dụng đầu tư công khai thác bãi đỗ xe ngầm.
Theo ông Lê Anh Quân, thời gian qua, Sở Kế hoạch-Đầu tư đã bàn việc thống kê theo quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, nhất là các bãi đỗ xe trong khu vực nội đô. Một số địa bàn (các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) đang có ý kiến xem xét đưa vào hình thức đầu tư công, Sở đang bàn và xin hướng dẫn; dự kiến hoàn thành trong quý II/2025. Liên quan việc hướng dẫn các địa phương có nhu cầu dùng ngân sách địa phương xây dựng bãi đỗ xe ngầm, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Giao thông vận tải sẽ có hướng dẫn sớm và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho rằng, mặc dù Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng vẫn khó khăn, do số vốn bỏ ra lớn mà nguồn thu thấp, nên khó thu hút đầu tư, khiến dự án chậm tiến độ. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở, quận, huyện rà soát toàn bộ và xây dựng được chín dự án; trong đó đã đề nghị Sở Kế hoạch-Đầu tư đưa 73 dự án này vào danh mục khuyến khích đầu tư.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố vừa thông qua Đề án giao thông thông minh và mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố chính thức thông qua Đề án giao thông thông minh của Thủ đô. Trong đó chia làm ba giai đoạn: 2025-2027 hình thành phát triển; 2027-2029 mở rộng phát triển; sau 2030 giai đoạn phát triển bền vững. Kèm theo từng giai đoạn đã giới hạn phạm vi hoàn thành.
Khi thực hiện đề án giao thông thông minh sẽ giúp giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội căn cơ hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông; đồng thời, Hà Nội đã triển khai trên 360 bãi điểm đỗ xe 2 không (không tiền mặt, không dừng) và 1 có (có hóa đơn, biên lai).
“Giai đoạn thí điểm đã triển khai ở 17/30 quận huyện, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 97,7%, đạt kết quả tốt, tạo thói quen không dùng tiền mặt, minh bạch, tiến tới bảo đảm trật tự an toàn mỹ quan đô thị. Chúng tôi mong muốn triển khai đầu năm 2025...”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Phi Thường chia sẻ.