Quang cảnh hội thảo. Ảnh: M.T
Sáng 29-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo “Thiết kế công viên thuận tiện, an toàn cho mọi người và tăng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh cho biết, hiện nay, Luật Quy hoạch đô thị (năm 2009) và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP (năm 2010) có nhiều quy định về quản lý cây xanh đô thị.
Dù vậy đến nay, sau gần 14 năm đi vào cuộc sống, nhiều điểm quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP đã bộc lộ bất cập, hạn chế trong thực tiễn quản lý cây xanh, công viên đô thị. Trong đó, thiếu các quy định quản lý công viên và chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tài sản hạ tầng cây xanh, công viên đô thị để cụ thể hóa quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng.
Hơn nữa, hệ thống công viên, cây xanh ở các đô thị chưa phát triển tương xứng với quy mô đô thị và nhu cầu của người dân; nguồn lực dành cho phát triển cây xanh, công viên đô thị còn bất cập, hạn chế.
Chia sẻ về câu chuyện phát triển không gian xanh tại các đô thị, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, chuyên gia về công viên đô thị dẫn chứng về mô hình thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) quy hoạch không gian công cộng khá hài hòa với mảng xanh đô thị. Đến 2020, đô thị này đã có gần 200 không gian công cộng, tính trung bình 9m2/người.
Theo Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, để đạt được các mục tiêu về phát triển cây xanh và công viên đô thị, về vĩ mô cần sớm có chính sách chiến lược cho lĩnh vực này. Trong đó, ưu tiên sử dụng quỹ đất công để tạo ra nhiều công viên và không gian công viên công cộng hơn.
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị - Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm của thành phố Hội An về thiết kế công viên ven biển với quy hoạch chung đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xây dựng chuỗi 8 công viên ven biển để vừa phát triển du lịch bền vững, vừa bảo tồn giá trị tự nhiên và văn hóa. Qua đó tạo lối kết nối ra biển cho cộng đồng và đóng vai trò phòng hộ ven biển.
Đặc biệt trong quá trình thực hiện xây dựng, hạn chế công trình lớn, ưu tiên thiết kế nhà sàn, cột chống. Một điểm nhấn nữa là chú trọng và ưu tiên giải pháp cây trồng trong hành lang xanh, với việc trồng dừa chắn gió, phi lao và cây bụi cải tạo không gian xanh ven biển; ưu tiên trồng cây bản địa, bảo vệ động vật hoang dã, hạn chế cây ngoại lai, hướng đến phát triển du lịch xanh.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện địa phương cũng nhìn nhận vai trò và những giá trị to lớn của mảng xanh đô thị trong việc tạo lập bản sắc cho đô thị, phục vụ lợi ích của cộng đồng. Các đại biểu cho rằng, công tác tổ chức, quy hoạch, quản lý, phát triển, duy trì, bảo vệ hệ thống công viên cây xanh hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập.
Vì thế, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần sớm định hướng xây dựng quy chuẩn về cây xanh và công viên công cộng đô thị. Từ đó, hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý cây xanh, công viên đô thị.
Thông tin rõ hơn đến các đại biểu, Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho biết, hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quản lý cây xanh, công viên đô thị được xây dựng trên cơ sở bám sát kết quả tổng kết, đánh giá thực trạng quản lý cây xanh đô thị hiện nay.
Qua đó, giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bổ sung hợp lý kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể để huy động nguồn lực tham gia vào đầu tư phát triển cây xanh, công viên đô thị. Mặt khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các đô thị trên cả nước.