Tăng cường hợp tác kỹ thuật Việt - Nhật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải

Ngày 26/11/2024, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp lần thứ 17 về Hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Bộ Xây dựng Việt Nam (MOC) và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT). Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc MOC) Tạ Quang Vinh và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cấp thoát nước (thuộc MLIT) Matsubara Hidenori đồng chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Tạ Quang Vinh cho biết, cuộc họp lần thứ 17 được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được của các hoạt động đã thống nhất tại lần họp thứ 16 và thống nhất các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ hợp tác chặt chẽ giữa MOC và MLIT bao gồm: hỗ trợ, nghiên cứu quy định về quản lý cấp, thoát nước tại Việt Nam; hỗ trợ phát triển các quy định nhằm kiểm soát chống ngập đô thị hiệu quả ở Việt Nam; hỗ trợ đánh giá tình hình thực hiện Định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp; thúc đẩy hình thành các dự án trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải ở Việt Nam; đào tạo, nâng cao năng lực cho các bên liên quan thuộc chính quyền Trung ương và địa phương Việt Nam như tổ chức các chuyến công tác, học hỏi kinh nghiệm tại Nhật Bản.

Theo Cục trưởng Tạ Quang Vinh, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác quản lý hệ thống thoát nước ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức như: quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, biến đổi khí hậu, sự thiếu đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp lý... Do đó, việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải giữa MOC và MLIT cũng như giữa chính quyền địa phương hai nước là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cấp thoát nước (thuộc MLIT) Matsubara Hidenori khẳng định Nhật Bản luôn quan tâm, hỗ trợ Việt Nam, tham gia hợp tác cùng Việt Nam trong việc xây dựng chính sách, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó có Luật Cấp, thoát nước và các chính sách liên quan.

Trong những năm qua, nhiều thành phố của 2 nước đã kết nối, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các dự án nâng cao năng lực cấp, thoát nước, xử lý nước thải song phương. Cụ thể như hợp tác giữa Yokohama với Hà Nội, Kitakyushu với Hải Phòng, Fukuoka với Cần Thơ… và dự kiến trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều quan hệ hợp tác giữa các địa phương 2 nước. Ngoài ra, MLIT cũng cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 2 bên.

Cục trưởng Tạ Quang Vinh và Phó Tổng cục trưởng Matsubara Hidenori ký kết Biên bản cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật đã giới thiệu tổng quan các quy định về cấp, thoát nước tại Việt Nam; đại diện MLIT tổng kết các hoạt động hợp tác kỹ thuật giữa MOC và MLIT từ tháng 12/2023 - 11/2024 và Kế hoạch hành động từ tháng 12/2024 - 11/2025; chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về Luật Thoát nước của Nhật Bản. Bên cạnh đó, chuyên gia 2 nước và các đại biểu khách mới đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những khó khăn, bất cập để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai không chỉ riêng Bộ Xây dựng và cả sự hợp tác giữa các địa phương của Nhật Bản và Việt Nam.

Đại diện JICA cho biết, từ tháng 12/2023 - 11/2024, phía Nhật Bản đã tham gia có ý kiến đề xuất, hỗ trợ Việt Nam trong công tác xây dựng khung pháp lý mới, bao gồm cả Luật Cấp, thoát nước và khởi động dự án hợp tác kỹ thuật JICA “Nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị”, đồng thời, hỗ trợ xây dựng chính sách về các giải pháp chống ngập đô thị hiệu quả tại Việt Nam thông qua việc trình Báo cáo chính sách về “Kinh nghiệm của Nhật Bản về phòng chống ngập lụt đô thị và vắn tắt đề xuất về công tác quản lý tại Việt Nam”.

Nhật Bản cũng đã chia sẻ kiến thức và công nghệ xử lý, tái sử dụng bùn thải tại Việt Nam bằng việc phối hợp, hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật xây dựng và đánh giá chính sách, nghiên cứu soạn thảo các tài liệu đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 450/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện phía Nhật Bản cũng đã phổ biến nội dung Sách Đỏ (Phiên bản 7) và tiêu chuẩn công nghệ khoan kích ngầm tại Việt Nam. Ấn bản này gồm 8 Chương với các nội dung về: Tiêu chuẩn công nghệ khoan kích ngầm; tiêu chuẩn ước tính chi phí; tiêu chuẩn ống khoan kích; tiêu chuẩn hố ga bê tông đúc sẵn; tiêu chuẩn nắp hố ga bằng gang; công nghệ kiểm soát ăn mòn cho kết cấu cống bê tông; hướng dẫn thực tế cho Việt Nam; tài liệu tham khảo kỹ thuật.

Kết luận cuộc họp, thay mặt Bộ Xây dựng, Cục trưởng Tạ Quang Vinh cảm ơn sự quan tâm, hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản trong thời gian qua, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật giữa 2 bên trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải mà hai Bộ đã, đang và sẽ triển khai hướng tới hoàn thiện thể chế về thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường, nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới.

(Nguồn:moc.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website