Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh Thái Nguyên phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo việc rà soát trên địa bàn cần kỹ lưỡng, không được bỏ sót gia đình nào đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát mà không được hỗ trợ xây mới, sửa chữa. Qua rà soát, thống kê toàn tỉnh có 1.838 hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát cần được hỗ trợ xây mới, sửa chữa.
Mặc dù nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà là không nhỏ; khó khăn, vướng mắc, trở ngại về địa hình, điều kiện, nguồn lực, thủ tục đất đai, chưa được tuổi làm nhà, hoặc người thân mới mất, chưa có điều kiện kinh tế nên ảnh hưởng tiến độ xóa nhà tạm trên địa bàn.
Khắc phục những vấn đề này, các cơ quan chuyên môn đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm các hộ đủ điều kiện được hỗ trợ xây nhà mới, sửa chữa nhà đúng quy định; vận động, thuyết phục các hộ vượt qua tập quán; huy động đủ nguồn lực với tổng số tiền hơn 194 tỷ đồng; quyết tâm, trách nhiệm cao, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của lãnh đạo chủ chốt tỉnh, của các cấp ủy, chính quyền; hệ thống chính trị vào cuộc.
Tỉnh chỉ đạo việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cần khẩn trương, bảo đảm “ba cứng”, gồm nền, tường và mái cứng để các hộ có điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm “an cư lạc nghiệp” và đến nay, toàn tỉnh hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho 1.838 hộ gia đình, trong đó xây mới 1.221 nhà; sửa chữa 617 nhà, hoàn thành trước 15 ngày theo mục tiêu của Ban Chỉ đạo tỉnh và trước 8 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay từ đầu, các thành viên Ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn làm tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, minh bạch, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí; tất cả các nhà được xây mới, sửa chữa đều bảo đảm chất lượng.
Đạt được kết quả đó, là do tỉnh Thái Nguyên sớm thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Phó Trưởng ban; thành viên là thủ trưởng các sở, ban, ngành. Tương tự như vậy, cấp huyện, xã cũng thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên và tổ chức phát động toàn xã hội chung tay xóa nhà tạm trên địa bàn.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên vui mừng chia sẻ: Hôm nay tỉnh Thái Nguyên báo cáo cấp trên, thông báo với nhân dân, toàn tỉnh đã xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm từ tỉnh đến cấp xã; lãnh đạo chủ chốt tỉnh, các huyện thường xuyên chỉ đạo sâu sát, kiểm tra thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, nguồn lực xã hội hóa được phát huy mạnh mẽ; các hộ gia đình tích cực xóa nhà tạm để sớm ổn định cuộc sống.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, việc xóa xong nhà tạm, nhà dột nát đã khơi dậy tự tin của các hộ nghèo, hộ cận nghèo được xóa nhà tạm, nhà dột nát, từ đây từng bước xóa bỏ tư tưởng an phận, tiếp thêm nghị lực, ý chí, tạo nền tảng để các hộ vươn lên giảm giảm nghèo, xóa nghèo. Đồng thời đề nghị, sau khi được xóa nhà tạm, nhà dột nát, các hộ cần thúc đẩy phát triển sản xuất; các cấp, ngành, các địa phương rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo có người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe bảo đảm để tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm phù hợp nhằm tạo sinh kế để thoát nghèo bền vững, lâu dài.