Vinh danh 53 tác phẩm xuất sắc tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16

Tối 20/5/2025, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia lần thứ 16 (2024 - 2025) và vinh danh 53 tác phẩm xuất sắc trong các lĩnh vực kiến trúc. Sự kiện không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình tôn vinh sáng tạo kiến trúc mà còn mang ý nghĩa sâu sắc khi diễn ra đúng dịp cả nước long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (1975 - 2025).

Lễ trao giải có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn; các lãnh đạo đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; Chủ tịch các hội, hiệp hội Trung ương. Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam có Chủ tịch Hội Phan Đăng Sơn cùng các đồng chí Lãnh đạo, Thường vụ, Ban Chấp hành Hội; các kiến trúc sư đại diện cho các hội, chi hội KTS, các thế hệ KTS cả nước, đại diện các doanh nghiệp đã đồng hành cùng Hội KTS Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử: Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc (Ảnh: VGP/Minh Khôi)

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng cấp quốc gia cao quý nhất được trao trong lĩnh vực kiến trúc, do Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ 2 năm 1 lần. Giải thưởng nhằm thúc đẩy sáng tạo, tôn vinh tác giả, tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc, góp phần định hướng phát triển nền kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025 ghi nhận 239 tác phẩm dự thi thuộc các thể loại: Kiến trúc công trình; Kiến trúc nội - ngoại thất và Kiến trúc cảnh quan - Thiết kế đô thị; Quy hoạch; Nghiên cứu - Lý luận - Phê bình kiến trúc.

Các tác phẩm tham gia năm nay đều có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, thể hiện sự đa dạng, phong phú về loại hình, từ các công trình phổ biến như nhà ở, nhà hàng đến các dự án cao cấp như khách sạn, du thuyền,...

Đáng chú ý, sự trở lại của các tác phẩm hạng mục bảo tồn di sản là tín hiệu tích cực, thể hiện mối quan hệ hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và việc tôn trọng, ứng xử với di sản quá khứ, hướng tới một tương lai bền vững.

Các tác phẩm đạt giải năm nay cho thấy tư duy sáng tạo của KTS Việt Nam đã có sự đổi mới, cập nhật xu hướng thế giới, đồng thời chú trọng khai thác bản sắc văn hóa truyền thống, đề cao tính công năng và bối cảnh công trình.

Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025 đã chọn ra 53 tác phẩm xuất sắc để trao giải và vinh danh, gồm có: 1 giải thưởng Lớn, 5 giải Vàng, 12 giải Bạc, 35 giải Đồng. Bên cạnh đó, Giải thưởng còn vinh danh đơn vị đạt nhiều thành tích nhất trong kỳ giải thưởng, Giải thưởng "Vì sự phát triển kiến trúc" và giải thưởng dành cho tác phẩm được cộng đồng bình chọn nhiều nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, qua 16 lần tổ chức, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là Giải thưởng kiến trúc danh giá nhất, cao quý nhất của Việt Nam, tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất, là kết tinh của tâm huyết, trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của các kiến trúc sư Việt Nam.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025 không chỉ là sự công nhận cho những tác phẩm xuất sắc, mà còn là lời hiệu triệu để các KTS tiếp tục cống hiến, đổi mới, và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai trao Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025 cho tác phẩm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thuộc hạng mục Kiến trúc công cộng

Theo Phó Thủ tướng, kiến trúc là một ngành sáng tạo nghệ thuật và khoa học trong tổ chức không gian sống, làm việc, nghỉ ngơi một cách thuận tiện, thẩm mỹ, an toàn, nhân văn, bền vững và thân thiện với môi trường.

Kiến trúc cũng là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa con người và thiên nhiên, giữa bản sắc dân tộc và tinh hoa thế giới. Mỗi công trình kiến trúc là một câu chuyện sống động, phản ánh lịch sử, văn hóa, và khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Từ những ngôi Đình, mái Chùa cổ kính, thuần Việt, Nhà hát Lớn Hà Nội với phong cách kiến trúc Pháp cổ điển, đến các khu đô thị hiện đại, đa phong cách, hài hòa với thiên nhiên như Phú Mỹ Hưng, Ecopark; hay cầu Vàng - cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu thế giới 4 năm liền, top 10 kỳ quan mới của thế giới theo bình chọn của thế hệ trẻ, và rất nhiều công trình, cụm công trình nổi tiếng khác, kiến trúc Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế trên bản đồ kiến trúc thế giới.

Kiến trúc Việt Nam hôm nay là bức tranh sống động, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với nền tảng văn hóa dân tộc đặc sắc, tiếp thu có lựa chọn tinh hoa thế giới, bằng lao động sáng tạo, các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đã đóng góp đặc biệt quan trọng trong phát triển đô thị, nông thôn giàu bản sắc, văn minh, hiện đại, kết nối các giá trị di sản với xu thế hiện đại. Trong dòng chảy đó, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia đã tôn vinh những kiến trúc sư tài năng, những tác phẩm xuất sắc của kiến trúc Việt, đồng thời cổ vũ xu hướng kiến trúc mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng đánh giá các tác phẩm với xu hướng nổi bật là kiến trúc xanh, sinh thái, hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đồng thời bảo tồn và tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng ta được nhìn thấy ở Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 sự giao thoa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa công năng và thẩm mỹ; giữa tiện nghi, kinh tế và tính bền vững. Những công trình được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024 - 2025 không chỉ là kết tinh của tài năng và tâm huyết, mà còn thể hiện trách nhiệm sâu sắc của các KTS đối với xã hội, môi trường, và tương lai bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và các tác giả, nhóm tác giả đạt Giải Vàng của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2024-2025 (Ảnh: VGP/Minh Khôi)

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có từ biến đổi khí hậu, thiên tai, đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Phó Thủ tướng cho rằng Kiến trúc Việt Nam đang đứng trước sứ mệnh lịch sử: Kiến tạo những không gian sống an toàn, bền vững, và giàu bản sắc.

Các công trình kiến trúc không chỉ cần đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và công năng, mà còn phải trở thành những giải pháp tiên phong, ứng phó với những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở, đồng thời góp phần xây dựng các đô thị thông minh và nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa Việt.

Phó Thủ tướng đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư trên cả nước tiếp tục tiên phong tham gia tích cực, sâu sắc, hiệu quả hơn nữa trong việc tham mưu chính sách, đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị.

Mục tiêu đặt ra là, phát triển đô thị, nông thôn theo quy hoạch, có kế hoạch. Công tác quản lý Nhà nước cần định hình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; kiến tạo không gian thuận lợi để các kiến trúc sư sáng tạo, chuyển tải các giá trị truyền thống, giá trị thời đại vào bộ mặt đô thị, nông thôn Việt Nam, tạo ra những đô thị, làng mạc mang hồn cốt, đường nét đặc sắc văn hóa Việt Nam.

Các chuyên gia, KTS phải có ý thức rất cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; và được tham gia từ quá trình quy hoạch tổng thể đến thiết kế, thi công những công trình cụ thể, để đảm bảo ngôn ngữ kiến trúc thống nhất, bổ trợ, không xung đột lẫn nhau.

Chú trọng đẩy mạnh phát triển kiến trúc xanh và bền vững, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo, và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và Internet vạn vật (IoT) để thiết kế những công trình thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.

Đóng góp trí tuệ vào quy hoạch đô thị và phát triển nhà ở xã hội, đề xuất các giải pháp giảm giá thành xây dựng, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội sống trong những không gian an toàn, tiện nghi và nhân văn; nghiên cứu, đề xuất các phương án kiến trúc, giải pháp công trình an toàn, bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai,…

"Hội KTS Việt Nam và từng KTS tài năng hãy khát vọng, bắt tay kiến tạo những công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa, dấu ấn đặc trưng của từng vùng đất, từng địa phương", Phó Thủ tướng kêu gọi và khẳng định cam kết của Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển nền kiến trúc Việt Nam đặc sắc, hiện đại, thông qua các chính sách minh bạch, khuyến khích đổi mới sáng tạo, và hỗ trợ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong kiến trúc. Chính phủ và nhân dân kỳ vọng các KTS sẽ tiếp tục là những người tiên phong, kiến tạo những công trình mang dấu ấn Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào quốc gia mà còn là biểu tượng của sự vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu.

(Nguồn:moc.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website