Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại các bãi sông phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô

Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.

Hài hòa giữa bảo vệ và phát triển

Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô).

Dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa phải bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô.

Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.

Đồng thời, kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm độc đáo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới.

Tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa.

Việc lập quy hoạch trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng phù hợp với các quy hoạch. Ảnh: Phương Ngân

Kết hợp nguồn lực Nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa; kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đáng quan tâm, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa được quyền thuê công trình tài sản công để sử dụng làm trung tâm công nghiệp văn hóa. Thời hạn thuê công trình được xác định theo thoả thuận giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, nhưng không quá 10 năm và được gia hạn mỗi lần không quá 10 năm...

Cơ sở hạ tầng văn hóa cần được cải thiện và mở rộng

Theo Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. GS.TS, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, trong tương lai, đô thị trung tâm sẽ lấy sông Hồng làm trục trung tâm về thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch, là nơi hội tụ tất cả các yếu tố lịch sử văn hóa.

Một bên sông Hồng sẽ có những công trình như con đường di sản, để quy tụ và tái hiện tất cả các câu chuyện lịch sử như chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hay 60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Còn phía bên kia sẽ quy tụ hình ảnh, ghi lại danh lam thắng cảnh, biểu tượng, lễ hội văn hóa... của 63 tỉnh, thành phố, biến nơi này thành nơi quy tụ văn hóa sông Hồng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn tin tưởng các chính sách mới trong Luật Thủ đô sẽ tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội. Nếu được thực thi một cách hiệu quả, những cơ chế này sẽ giúp giảm bớt các khó khăn hiện tại, đồng thời tạo ra đòn bẩy phát triển bền vững cho ngành văn hóa trong tương lai.

Để thi hành hiệu quả các chính sách văn hóa trong Luật Thủ đô, cơ sở hạ tầng văn hóa cần được cải thiện và mở rộng. Điều này không chỉ bao gồm việc nâng cấp các di tích lịch sử, bảo tàng, trung tâm văn hóa, mà còn phải xây dựng các công trình mới đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hạ tầng cơ sở hiện đại là yếu tố then chốt để hỗ trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và du lịch, cũng như tạo không gian cho các ngành công nghiệp sáng tạo khác phát triển.

Theo ông Sơn, nếu hạ tầng văn hóa và dịch vụ du lịch được đầu tư đúng mức, Hà Nội sẽ có cơ hội trở thành một điểm đến văn hóa lớn không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực. Thành phố có thể tận dụng các di sản văn hóa, lịch sử lâu đời để phát triển các ngành du lịch văn hóa, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn...

Mới đây, thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.

Qua đó, nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế sáng tạo độc đáo, khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ thành công viên văn hóa xứng tầm tại khu vực để khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội...

(Nguồn:chinhphu.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website