ỨNG DỤNG BỘ GIẢI PHÁP AUTODESK BIM CHO CÔNG TÁC LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG TẠI VIỆT NAM

KS. Ngô Quốc Việt

Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội

 

      Tóm tắt

       Trong những năm gần đây, công nghệ BIM đang ngày càng được quan tâm và ứng dụng phổ biến hơn cho các dự án xây dựng ở Việt Nam vì những lợi ích mà công nghệ này mang lại.

Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, công nghệ BIM bắt đầu được quan tâm và thử nghiệm áp dụng tại một số dự án. Tuy nhiên, để áp dụng công nghệ này đòi hỏi phải thay đổi một cách đồng bộ từ giải pháp phần mềm, phần cứng, quy trình làm việc cũng như đảm bảo tuân thủ khía cạnh cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ BIM vào dự án.

Bài viết giới thiệu một cách cụ thể trình tự các bước với hai giải pháp phần mềm của hãng AutoDesk là InfraWorks và AutoCAD Civil 3D cho quá trình lập quy hoạch xây dựng.

Hy vọng bài viết sẽ giúp các bên tham gia lập quy hoạch xây dựng có thêm những hiểu biết cụ thể hơn trong việc ứng dụng công nghệ BIM, đặc biệt với bộ giải pháp InfraWorks, AutoCAD Civil 3D vào trong hoạt động quy hoạch xây dựng ở Việt Nam.

Because of the advantages that BIM technology offers, it has been increasingly popular in recent years and is being used for construction projects in Vietnam.

BIM technology started to be cared and tested in several projects related to construction planning. Nevertheless, integrating this technology into a project necessitates synchronized adjustments to workflow, hardware, and software solutions, as well as guaranteeing adherence to the project's legal justification for applying BIM technology.

The article outlines the procedure for the construction planning process using two AutoDesk software products includes InfraWorks and AutoCAD Civil 3D.

The article is intended to give those involved in construction planning a more detailed understanding of how BIM technology is applied, particularly with InfraWorks and AutoCAD Civil 3D solutions in the construction planning in Viet Nam.

  1. Đặt vấn đề

  • Tại Việt Nam, ngày 22/12/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, trong đó đặt ra các mục tiêu thông qua áp dụng BIM nhằm tiết kiệm ít nhất 30% chi phí quy đổi và tăng cường tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình xây dựng và quản lý công trình cũng như xây dựng hành lang pháp lý cho việc áp dụng rộng rãi mô hình BIM. Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì triển khai Đề án.

  • Tuy nhiên, tại nước ta, mô hình BIM hiện nay mới được áp dụng phổ biến trong quy trình thiết kế công trình, việc áp dụng BIM cho thiết kế quy hoạch xây dựng còn hạn chế do thiếu các hướng dẫn kỹ thuật và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của áp dụng BIM của các cơ quan quản lý và đơn vị tư vấn quy hoạch.

  • Trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu và thể hiện đồ án quy hoạch xây dựng (QHXD) chủ yếu sử dụng các phần mềm hỗ trợ bản vẽ 2D như AutoCAD và dựng ảnh phối cảnh 3D công trình như 3D Max. Tuy nhiên, các phần mềm này được sử dụng riêng biệt và chưa được kết nối đồng bộ trong hệ thống, điều này khiến cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là không cho phép khả năng đồng bộ hóa tự động giữa các bản vẽ thuộc các bộ môn khác nhau. Điều này khiến cho công việc điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ bản vẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức lao động. Việc tính toán sơ bộ khối lượng đào đắp và khái toán chi phí cho các phương án ý tưởng thiết kế hạ tầng kỹ thuật chủ yếu vẫn được làm thủ công và thiếu chính xác. Công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ bản vẽ cũng chủ yếu là thủ công và còn nhiều hạn chế, bất cập.

  • Chính vì vậy, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ BIM với các phần mềm thuộc bộ giải pháp trên nền tảng công nghệ BIM trong công tác lập quy hoạch xây dựng là hết sức cần thiết nhằm triển khai Đề án của Chính phủ và góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu đồ án quy hoạch xây dựng, tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong cả quá trình từ khâu lập các quy hoạch cấp vĩ mô đến quản lý và triển khai các quy hoạch chi tiết và thiết kế các hạng mục công trình liên quan.

  1. Giới thiệu tổng quan về công nghệ BIM

    1. Khái niệm về công nghệ BIM

BIM (viết tắt của Building Information Modeling) – Mô hình thông tin công trình là xu hướng công nghệ mới trong ngành xây dựng cho phép xây dựng mô hình số của công trình trên môi trường máy tính trước khi xây dựng. Mô hình BIM miêu tả công trình trên môi trường 3D về hình học và các đặc tính của đối tượng (vật liệu), mối liên hệ, thời gian, trình tự thi công và chi phí.

  1. Sơ bộ tình hình áp dụng công nghệ BIM trên thế giới và Việt Nam

  • Tình hình áp dụng BIM trên thế giới

Hiện nay, nhiều nước tiên tiến đã bắt buộc áp dụng công nghệ BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng như Phần Lan, Na Uy, Mỹ, Anh, Singapore…

Bản đồ dưới đây cung cấp mức độ áp dụng công nghệ BIM tại các quốc gia trên thế giới, được trình xuất từ nghiên cứu áp dụng công nghệ BIM với tên bài viết “A SWOT Analysis of the Use of BIM Technology in the Polish Construction Industry”.

Trong đó màu sắc được ghi chú và giải nghĩa cụ thể như sau:

  • Tình hình áp dụng BIM tại Việt Nam

Trong vài ba năm trở lại đây các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng đã từng bước triển khai áp dụng công nghệ BIM trong đó các chủ đầu tư và nhà thầu có sự đầu tư vào BIM mạnh mẽ nhất. Có thể điểm nhanh về tình hình ứng dụng công nghệ BIM tại các tổ chức như sau:

  • Vingroup

Công nghệ BIM được tập đoàn Vingroup quan tâm ứng dụng trong các dự án lớn như tòa nhà Landmark 81, Vincity Gia Lâm và được tập đoàn đặt ra yêu cầu bắt buộc áp dụng công nghệ BIM theo lộ trình đặt trước.

  • Hòa Bình

BIM được ban lãnh đạo ưu tiên trong chiến lược đầu tư công nghệ với phòng BIM có trên 45 kỹ sư và kiến trúc sư nhằm hỗ trợ trong công tác bóc tách khối lượng, lập biện pháp thi công hỗ trợ các phòng ban khác trong đấu thầu và quản lý thi công.

  • Coteccons

Trung tâm Quản lý Thiết kế và Ban BIM (Building Information Modeling) đã chứng tỏ là một bộ phận quan trọng của Coteccons trong các dự án Design&Build/EPC. Ngoài vai trò là một bộ phận quản lý thiết kế truyền thống, Trung tâm Quản lý Thiết kế của Coteccons còn mang lại cho Chủ đầu tư các giá trị gia tăng thông qua tư vấn giải pháp toàn diện từ biện pháp thi công, chọn vật liệu xây dựng và đặc biệt tư vấn thiết kế công trình phù hợp với nhu cầu thị trường, ứng dụng BIM quản lý và khai thác thông tin dự án.

  • Cofico

Từ 09/2013, Ban lãnh đạo Cofico đã định hình và thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển BIM, gọi tắt là BIM Center, nhằm mục đích xây dựng lực lượng và nhanh chóng  áp dụng qui trình BIM vào trong các hoạt động từ công tác thiết kế, đấu thầu cho đến công tác quản lý, thi công ngoài hiện trường tại các dự án của COFICO. Quá trình triển khai này còn có sự hỗ trợ của Tập đoàn Maeda (Nhật Bản)– một trong những Cổ đông chiến lược của COFICO. BIM đã và đang tạo ra những thay đổi mang tính đột phá tại các dự án của COFICO hiện nay, từ đó mang lại cho Chủ đầu tư các sản phẩm công trình tốt nhất: đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ.

  • Sông Đà 5

Sông Đà 5 đã đầu tư vào trang bị phần mềm BIM từ năm 2015 và thành lập phòng BIM từ cuối năm 2016 với sự đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, phần cứng, phần mềm và thuê tư vấn BIM.

Sự đầu tư mạnh mẽ về BIM của các nhà thầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao hiệu quả đấu thầu, nâng cao chất lượng, giảm sai sót trong thiết kế và thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công.

  • UDIC

Thành lập phòng BIM từ năm 2017 với mục tiêu ứng dụng sâu rộng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của khối thi công xây lắp.

Hiện nay phòng BIM của UDIC đã áp dụng có hiệu quả vào các dự án như UDIC Westlake, IA20, Học viện Chính sách và Phát triển.

Ngoài các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh áp dụng công nghệ BIM thì hiện đã có nhiều đơn vị là các trung tâm đào tạo cung cấp dịch vụ Tư vấn, đào tạo công nghệ BIM như: Các trường đại học đều mở ra các trung tâm nghiên cứu và đào tạo BIM như Hệ thống đào tạo RDSIC (Đại học Xây dựng), Trung tâm đào tạo BIM Lab thuộc Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM… Ngoài ra, nhiều Công ty tư nhân cũng được thành lập tham gia phát triển thị trường tư vấn, đào tạo như Công ty TNHH Giải pháp BIM Hà Nội, Công ty TNHH Kiến trúc và Xây dựng Point Group…

  1. Cơ sở pháp lý về công nghệ BIM tại Việt Nam

- Khoản 3 điều 4 Luật Xây dựng 50/QH13/2014 ngày 16/6/2014 về “Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng” có ghi “ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.”

- Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong mục 2 điều 23 có xác định “ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình” nằm trong “Chi phí quản lý dự án”.

- Thông tư 06/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 về Hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng xác định Chi phí quản lý dự án và Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng có bao gồm “ứng dụng hệ thống thông tin công trình”.

- Đề án tái cơ cấu ngành xây dựng: QĐ 134/QĐ-TTg ngày 26/1/2015 trong mục 7 điều III về các giải pháp chủ yếu: “Nghiên cứu, hợp tác với các nước phát triển trong việc áp dụng và làm chủ các công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong khoa học quản lý xây dựng và kinh tế xây dựng”. Ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM (Building Information Modeling), ứng dụng phần mềm thiết kế và xây dựng ảo VDC (Virtual Design and Construction).

- Quyết định số 2500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”. Theo đó, nhà nước khuyến khích áp dụng, xây dựng khung chương trình đào tạo & áp dụng thí điểm, tổng kết đánh giá hướng đến bắt buộc áp dụng sau 2020.

  • Quyết định số 1057/QĐ-BXD ban hành ngày 11/10/2017 về công bố hướng dẫn tạm thời về áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong giai đoạn thí điểm

  • Quyết định số 347/QĐ-BXD ban hành ngày 02/04/2021 về Công bố hướng dẫn chi tiết Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị

  • Quyết định số 348/QĐ-BXD ban hành ngày 02/04/2021 về Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM)

  1. Lợi ích áp dụng công nghệ BIM cho thiết kế quy hoạch xây dựng

Công nghệ BIM hiện đang rất được quan tâm và ứng dụng trong các dự án xây dựng vì nó mang lại nhiều lợi ích cho các bạn tham gia.

  • Lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước

  • Thông qua mô hình thông tin công trình, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kĩ thuật... phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng… Nếu được xây dựng đồng bộ quy trình xét duyệt thông qua cổng điện tử một cửa có thể giúp nâng cao chất lượng xét duyệt, cải tiến thủ tục hành chính hướng đến tăng năng suất và hiệu quả cho tất cả các bên.

  • Việc ứng dụng BIM trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình giúp giảm được thời gian nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ cấp phép cũng như phục vụ rất có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng do các thông tin của công trình được thể hiện logic, đầy đủ và trực quan.

  • Lợi ích cho chủ đầu tư

  • BIM cung cấp cái nhìn trực quan, hỗ trợ tốt cho quá trình lựa chọn phương án đầu tư, phương án thiết kế, xác định kế hoạch vốn phù hợp với kế hoạch triển khai; giúp chủ đầu tư dễ dàng trong việc xem xét và ra quyết định thông qua các thông tin được tích hợp sẵn trong mô hình;

  • Việc áp dụng BIM giúp giảm thiểu thời gian ngừng chờ xử lý xung đột ngoài ý muốn (xuất phát từ lỗi thiết kế hoặc từ việc không phù hợp giữa thiết kế và thi công) và qua đó cũng góp phần tiết kiệm chi phí cho dự án;

  • Cơ sở dữ liệu thông tin BIM sử dụng rất hiệu quả trong việc xây dựng báo cáo vận hành, phân tích và báo cáo việc sử dụng không gian, tối ưu hóa chi phí vận hành.

  •  Lợi ích cho tư vấn quy hoạch, thiết kế

-  Khai thác miễn phí nguồn cơ sở dữ liệu về địa hình (bản đồ 3D), hiện trạng phát triển đô thị trên hệ thống thư viện sẵn có của hệ thống;

- Với việc công trình được mô phỏng qua hình ảnh mô hình 3 chiều trực quan sẽ tạo thuận lợi cho việc thuyết trình, đánh giá, lựa chọn giải pháp thiết kế có hiệu quả;

- Việc áp dụng BIM góp phần tăng năng suất, chất lượng thiết kế, thuận lợi trong việc điều chỉnh thiết kế và hạn chế được sai sót trong quá trình thực hiện;

- Công tác đo bóc khối lượng và lập dự toán chi phí của công trình được thực hiện dựa trên mô hình BIM một cách nhanh chóng và chính xác;

- Thuận lợi trong việc phân tích mức độ sử dụng năng lượng của các phương án thiết kế, qua các công cụ hỗ trợ, góp phần hướng thiết kế bền vững với môi trường;

- Việc ứng dụng quy trình BIM trong các doanh nghiệp tư vấn thiết kế tạo tác phong làm việc theo nhóm, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập với thế giới;

- Đồng bộ hóa tự động toàn bộ hệ thống bản vẽ, bản đồ khi có các điều chỉnh, bổ sung ở một bản vẽ, giúp giảm thiểu rất nhiều công sức và thời gian cập nhật, chỉnh sửa bản vẽ;

- Giảm thiểu các xung đột, tăng cường tính cộng tác giữa các khâu trong quá trình quy hoạch, thiết kế đến xây dựng và quản lý vận hành công trình;

- Tự động tính toán khối lượng cân bằng đào đắp, san nền địa hình, khái toán chi phí khi thiết kế ý tưởng quy hoạch và thiết kế quy hoạch chi tiết;

- Việc sử dụng dữ liệu, lưu trữ và trao đổi dựa trên công nghệ điện toán đám mây giúp các nhóm làm việc khác nhau về địa điểm phối hợp với nhau để thiết kế, chuyển giao sản phẩm và lưu trữ thuận tiện hơn.

  1. Ứng dụng bộ giải pháp Autodesk BIM cho công tác lập quy hoạch xây dựng

    1. Giới thiệu tổng thể bộ giải pháp Autodesk BIM cho công tác lập quy hoạch xây dựng

Hiện nay có nhiều công ty cung cấp các bộ giải pháp áp dụng công nghệ BIM cho công tác thiết kế quy hoạch. Tuy nhiên, trong phần nghiên cứu của bài viết tập trung nghiên cứu và ứng dụng bộ giải pháp của hãng Autodesk bao gồm phần mềm InfraWorks, AutoCAD Civil 3D phục vụ đầy đủ bước nghiên cứu phương án quy hoạch cũng như xuất hồ sơ, bản vẽ chi tiết quy hoạch xây dựng.
Quy trình sử dụng các phần mềm Autodesk trên nền tảng BIM cho công tác lập quy hoạch xây dựng sử dụng các phần mềm được miêu tả và minh họa qua sơ đồ sau:

  1. Bước nghiên cứu phương án quy hoạch với phần mềm InfraWorks

  1. Lợi ích khi ứng dụng phần mềm InfraWorks cho bước nghiên cứu phương án quy hoạch

  • Xây dựng mô hình 3D hiện trạng đầy đủ thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau: bản vẽ khảo sát AutoCAD, ảnh vệ tinh, dữ liệu bản đồ OpenstreetMaps, mô hình độ cao trái đất...

  • Hỗ trợ thiết kế nhanh phương án quy hoạch 3D trực quan, nhanh chóng cho các hạng mục san nền, giao thông, sử dụng đất, thoát nước, cảnh quan.

  • Nâng cao chất lượng phương án quy hoạch xây dựng với các công cụ phân tích hỗ trợ thiết kế.

  • Hỗ trợ trao đổi thông tin tốt hơn giữa các thành viên dự án cũng như giữa tư vấn quy hoạch và chủ đầu tư thông qua mô hình 3D trực quan.

  • Hỗ trợ kết nối với phần mềm thiết kế như AutoCAD Civil 3D phục vụ xuất hồ sơ bản vẽ quy hoạch.

  1. Trình tự các bước ứng dụng InfraWorks cho nghiên cứu phương án quy hoạch

Bước 1. Xây dựng mô hình hiện trạng dự án

Phần mềm giúp xây dựng nhanh chóng mô hình hiện trạng dự án với đầy đủ các phân lớp và định dạng dữ liệu phổ biến:

  • Ranh giới thể hiện phạm vị dự án (Cập nhật từ AutoCAD Civil 3D)

  • Bề mặt địa hình, địa chất (Cập nhật nguồn dữ liệu bản đồ miễn phí và dữ liệu khảo sát từ AutoCAD Civil 3D)

  • Ảnh nền vệ tinh (Tải tự động từ dữ liệu bản đồ Bing Map hoặc bổ sung ảnh từ công nghệ UAV, tải ảnh từ Google)

  • Dữ liệu đường giao thông (Cập nhật từ Openstreetmap  hoặc AutoCAD Civil 3D)

  • Dữ liệu nhà cửa (Cập nhật từ Openstreetmap  hoặc AutoCAD Civil 3D)

  • Dữ liệu vùng nước (Cập nhật từ Openstreetmap  hoặc AutoCAD Civil 3D)

  • Dữ liệu địa vật khác như cây cối, đường dây điện, hạ tầng kỹ thuật ngầm: cấp, thoát nước… (Cập nhật từ AutoCAD Civil 3D)

  • Dữ liệu GIS từ các nguồn dữ liệu của cơ quan Chính phủ với định dạng .SHP, SDF…

  • Dữ liệu khảo sát đám mây điểm với định dạng .RCP, RCS

Việc này nhằm hỗ trợ nhanh cho công tác nghiên cứu phương án quy hoạch, phần mềm hỗ trợ các công cụ hỗ trợ phân tích nhanh mô hình địa hình về cao độ, độ dốc trên mô hình hiện trạng dự án.

Bước 2. Thiết kế phương án hạng mục san nền, giao thông

Ứng dụng InfraWorks xây dựng nhanh phương án quy hoạch hạng mục giao thông theo các bước như vạch tim tuyến, điều chỉnh cao độ trắc dọc, áp mặt cắt ngang điển hình, thiết kế nút giao thông đồng mức, khác mức.

Không những hỗ trợ thiết kế nhanh và trực quan hạng mục giao thông, phần mềm InfraWorks còn hỗ trợ phân tích mô phỏng lưu lượng giao thông cho phương án thiết kế. Kết quả của quá trình mô phỏng và phân tích lưu lượng sẽ đánh giá được mức độ đáp ứng (tốc độ khai thác, thời gian di chuyển trung bình, mức độ phục vụ tuyến đường…) nhu cầu giao thông từ bảng ma trận nhu cầu giao thông.

Phần mềm hiển thị quá trình mô phỏng dòng xe trên mô hình dự án giúp thể hiện lưu lượng giao thông trực quan, sinh động.

Từ mô hình phương án thiết kế, có thể xuất bảng thống kê chi tiết khối lượng cho hạng mục giao thông như chiều dài tuyến, sơ bộ khối lượng đào đắp, diện tích và thể tích kết cấu đường, thống kê chi tiết các hạng mục công trình dọc tuyến như cây xanh, chiếu sáng…

Bước 3. Hạng mục quy hoạch sử dụng đất

Hỗ trợ thể hiện theo màu sắc các khu vực sử dụng đất theo từng loại đất trên mặt bằng dự án, từ đó thống kê tổng diện tích cho từng loại đất.

Bước 4. Hạng mục hạ tầng kỹ thuật: thoát nước mưa, thải

Phần mềm hỗ trợ tự động kết nối với hạng mục giao thông vạch phương án quy hoạch cho hạng mục thoát nước với hệ thống thoát nước dọc (ga thu, thăm, cống) và hệ thống thoát nước ngang (cống ngang đường).

Ga, cống tự động liên kết về cao độ với cao độ trên cùng của tuyến đường.

Từ phương án quy hoạch có thể phân tích thủy lực để kiểm tra mức độ đáp ứng về thủy lực với lưu vực phân tích và hiển thị kết quả phân tích trực tiếp trên mô hình.

  1. Bước lập hồ sơ, bản vẽ quy hoạch xây dựng với phần mềm AutoCAD Civil 3D

  1. Lợi ích khi ứng dụng phần mềm AutoCAD Civil 3D cho bước lập hồ sơ, bản vẽ quy hoạch xây dựng

  • Thiết kế quy hoạch với mô hình 3D trực quan và giúp hiểu rõ hơn hồ sơ, bản vẽ quy hoạch.

  • Phối hợp, chia sẻ dữ liệu tốt hơn giữa các hạng mục, bộ phận tham gia lập quy hoạch với công cụ Data Shortcuts.

  • Tiết kiệm thời gian cập nhật hồ sơ, bản vẽ quy hoạch với mô hình và bản vẽ liên kết tự động.

  • Kiểm soát tốt hơn mẫu thể hiện hồ sơ bản vẽ quy hoạch theo tiêu chuẩn Việt Nam, tổ chức, công ty với các bản vẽ mẫu (template).

  • Hỗ trợ kết nối xuất hồ sơ quy hoạch sang InfraWorks phục vụ công tác trình diễn, báo cáo trực quan.

  1. Trình tự các bước ứng dụng AutoCAD Civil 3D cho công tác lập quy hoạch xây dựng với hồ sơ, bản vẽ

Bước 1: Xây dựng mô hình hiện trạng dự án

AutoCAD Civil 3D hỗ trợ xây dựng mô hình bề mặt hiện trạng từ các loại dữ liệu khảo sát phổ biến như tệp dữ liệu điểm đo, các text cao độ, đường đồng mức... Kết quả là mô hình bề mặt 3D lưới tam giác phục vụ cho các bước tiếp theo trong đồ án quy hoạch.

Với mô hình bề mặt này giúp đánh giá nhanh hiện trạng hạ tầng như phân tích dải cao độ, dộ dốc, mũi tên hướng dốc bề mặt địa hình kèm các bảng chú thích.

  1. Thiết kế quy hoạch hạng mục giao thông, san nền

Sử dụng AutoCAD Civil 3D phục vụ công tác vạch tim tuyến quy hoạch đường giao thông trên mặt bằng và xuất trắc dọc, thiết kế cao độ khống chế của tuyến đường quy hoạch trên trắc dọc, từ đó điền các điểm cao độ khống chế trên mặt bằng.

Một ví dụ cho công tác vạch tuyến trên mặt bằng, sử dụng các đối tượng điểm (Cogo Point) điền cao độ khống chế tại các nút và sau đó thiết kế trên trắc dọc đi qua các điểm khống chế này.

Xuất trắc dọc thể hiện cao độ quy hoạch các tuyến đường với các điểm khống chế

Sau khi hoàn thành xong hạng mục giao thông, dựa vào các tim đường và đường đỏ xây dựng được mạng lưới đường 3D phản ánh đúng cao độ khống chế.

Và từ các mạng lưới đường 3D này có thể xây dựng ra bề mặt 3D khống chế cao độ toàn bộ các hạng mục giao thông, từ đó dùng cho cả hạng mục san nền, thoát nước ở bước sau.

Với bề mặt Top giao thông, AutoCAD Civil 3D hỗ trợ hạng mục san nền tính khối lượng đào đắp 3D rất nhanh chóng và chính xác khi so sánh với bề mặt địa hình.

  1. Hạng mục quy hoạch sử dụng đất

Từ tim tuyến hạng mục giao thông, AutoCAD Civil 3D hỗ trợ quy hoạch mặt bằng hạng mục giao thông và chức năng sử dụng đất với các phạm vi còn lại. Các lô đất quản lý theo mẫu (Style) và tự động đánh tên cũng như nhập các chỉ tiêu cho quy hoạch sử dụng đất như số tầng cao, mật độ, diện tích…

Phần mềm hỗ trợ xuất các bảng tổng hợp thể hiện đầy đủ các thông số quy hoạch sử dụng đất trên bản vẽ.

Khi hạng mục giao thông có sự thay đổi thì dễ dàng cập nhật lại phần quy hoạch sử dụng đất.

  1. Hạng mục hạ tầng kỹ thuật: cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc…

AutoCAD Civil 3D hỗ trợ công tác thiết kế quy hoạch hạng mục cấp thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc trên mặt bằng. Phần mềm hỗ trợ kết nối cao độ giữa hạng mục giao thông với cao độ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật giúp đưa phương án quy hoạch về mặt cao độ phù hợp.

Bên cạnh hỗ trợ công cụ vạch phương án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, phần mềm hỗ trợ xuất các bảng thống kê chi tiết khối lượng hạ tầng như chiều dài cống các loại, số lượng ga các loại.

 

  1. Kết luận

Với xu hướng đẩy mạnh số hóa cũng như áp dụng công nghệ cho lĩnh vực thì ứng dụng công nghệ BIM cho công tác thiết kế quy hoạch xây dựng đi theo đúng xu thế chung hiện nay. Bài tham luận trình bày một số nội dung cụ thể về ứng dụng bộ giải pháp Autodesk gồm InfraWorks và AutoCAD Civil 3D cho công tác thiết kế một dự án quy hoạch. Với những kết quả như vậy thì hoàn toàn có thể tiếp tục ứng dụng côngnghệ BIM với bộ giải pháp trên cho các dự án quy hoạch nhằm hướng tới ứng dụng hoàn chỉnh công nghệ BIM cho lĩnh vực thiết kế quy hoạch xây dựng ở Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. A SWOT Analysis of the Use of BIM Technology in the Polish Construction Industry

 

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (121))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website