Quy hoạch tỉnh: Từ triển khai lập quy hoạch đến thực tiễn

ThS. KTS. Vũ Ngọc Tuấn

Giám đốc Trung tâm QHXD1 – VIUP

Provincial planning is a type of planning prescribed in the Law on Planning. Currently, provinces have been urgently implementing their own planning. Up to now, 61/63 provinces and cities have been approved by the Prime Minister for planning tasks. There are only two localities that have not yet made provincial planning, namely Hanoi capital and Ho Chi Minh City.

Bac Giang province is the leading locality and also the only locality up to this point that has been approved by the Prime Minister of the province in Decision No. 219/QD-TTg dated February 17, 2022. The approved master plan serves as a basis for the implementation of lower-level plans and investment in the development of sectors and fields in the whole province.

To study a relatively new provincial planning project, with the delay in promulgating decrees and circulars guiding the implementation of the Planning Law, it has greatly affected the progress of completing the provincial planning. Many new concepts, methods and approaches are set forth in the Planning Law, but the decrees and circulars guiding the implementation have not yet detailed regulations. Therefore, in the process of implementation, the locality has to spend a lot of time researching and confused in the process of organizing planning. With the requirements of the Planning Law, in order to fully implement the provincial planning project, up to now, there is no consulting unit that has the capacity and experience to carry out the planning independently. Therefore, when implementing, it is necessary to have many different specialized units to coordinate implementation, so it is inevitable that different research approaches, different ways of organizing and implementing lead to product and map quality judgments are also different.

The article summarizes and analyzes the advantages and disadvantages of several methods of coordinating the implementation of current provincial plans and shares some experiences on the implementation process and some shortcomings in the implementation process until the end of the year. The project was approved by the Prime Minister, from the practical implementation of the planning of Bac Giang province in the period of 2021-2030 with a vision to 2050.

Luật Quy hoạch năm 2017 (Luật QH) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Tiếp theo, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Đến ngày 07/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật QH. Theo đó, Luật QH chính thức đi vào cuộc sống.

Luật QH 2017 mở ra một kỷ nguyên mới cho các loại hình quy hoạch cấp quốc gia và cấp tỉnh, nó yêu cầu tất cả các ngành các địa phương cần vào cuộc và có một cái nhìn tổng thể mang tính chiến lược cho quốc gia, cho ngành và cho tỉnh của mình.

Quy hoạch tỉnh là một loại hình quy hoạch được quy định trong luật QH, hiện nay các tỉnh đã và đang rất khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh mình. Đến thời điểm hiện tại đã có 62/63 tỉnh thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, chỉ còn duy nhất 01 địa phương chưa lập nhiệm vụ quy hoạch tỉnh là TP.HCM (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 14/9/2021).

Tỉnh Bắc Giang là địa phương đi đầu và cũng là địa phương duy nhất đến thời điểm này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022. Quy hoạch được duyệt làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các quy hoạch cấp dưới và đầu tư phát triển các ngành lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh.

Để nghiên cứu một đồ án quy hoạch tỉnh còn khá mới mẻ, cùng với việc chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật QH đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh. Nhiều khái niệm, phương pháp, cách thức tiếp cận mới được đặt ra trong Luật QH nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện chưa quy định chi tiết. Do đó, trong quá trình thực hiện, địa phương phải mất nhiều thời gian tìm hiểu và lúng túng trong quá trình tổ chức lập quy hoạch. Với những yêu cầu trong Luật QH, để thực hiện trọn vẹn đồ án quy hoạch tỉnh thì cho đến thời điểm hiện tại, chưa có đơn vị tư vấn nào có đủ năng lực cũng như kinh nghiệm thực hiện quy hoạch một cách độc lập. Do vậy khi triển khai cần có nhiều đơn vị chuyên ngành khác nhau phối hợp thực hiện nên không thể tránh khỏi các phương pháp nghiên cứu tiếp cận khác nhau, cách tổ chức triển khai khác nhau dẫn đến sản phẩm và chất lượng đồ án cũng khác nhau.

Hiện nay thực tế đang có nhiều phương thức thực hiện quy hoạch tỉnh khác nhau và chưa có một sự thống nhất chung cho khung thực hiện cũng như quy định các sản phẩm cụ thể cho các lĩnh vực trong đồ án, có thể tóm lược vài phương thức phối hợp thực hiện các quy hoạch tỉnh như sau:

  1. Địa phương (các sở ban ngành, các huyện) cùng tham gia trực tiếp vào công việc đánh giá hiện trạng, thu thập số liệu, đề xuất định hướng các lĩnh vực ngành, địa phương cùng liên danh tư vấn. Liên danh tư vấn tổng hợp nghiên cứu đề xuất định hướng, tích hợp và cụ thể hóa các lĩnh vực.
  2. Liên danh tư vấn trong nước thực hiện tất cả các nội dung công việc, địa phương sẽ tham gia, đóng góp.
  3. Tư vấn quốc tế tham gia nghiên cứu chiến lược, đề xuất ý tưởng phát triển tổng thể, sau đó liên danh tư vấn trong nước sẽ thực hiện chuyển tải ý tưởng và triển khai cụ thể các nội dung đồ án theo luật định.

Mỗi phương thức thực hiện đều có những ưu, nhược điểm. Việc có sự tham gia trực tiếp từ địa phương sẽ cho ra một bộ hồ sơ tương đối đầy đủ, rõ nét, chính xác về mặt số liệu, tính thực tiễn và rất cụ thể với địa phương. Các đề xuất được đưa ra rất chính xác phù hợp với thực tiễn địa phương, hiệu quả cao khi cần triển khai ngay các dự án trọng điểm. Các ngành được trao đổi thông tin qua lại, được cân đối hài hoà trong tổng thể với mục đích đáp ứng mục tiêu quy hoạch tỉnh đặt ra. Tuy nhiên nếu các nội hàm đề xuất quá chi tiết sẽ có thể gây khó khăn trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Việc hiểu rằng chỉ còn duy nhất một quy hoạch cấp tỉnh được lồng ghép lại với nhau dẫn đến việc đưa tối đa chi tiết nội hàm các ngành vào quy hoạch tỉnh. Đây cũng việc cần phải suy ngẫm bởi một số lĩnh vực cần có định hướng mang tính chiến lược đảm bảo linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh đó chi tiết nội hàm các ngành sẽ làm hạn chế các đề xuất táo bạo cũng như tính đột phá của các ý tưởng tư vấn.

Ngược lại, việc địa phương giao toàn bộ công việc cho đơn vị tư vấn và chỉ đóng góp cho các sản phẩm mà tư vấn thực hiện cũng làm cho các số liệu, các đề xuất của tư vấn có thể thiếu thực tiễn, thiếu thông tin, thiếu tính logic và thiếu các những nội hàm mà địa phương cần, sẽ làm cho quá trình thực hiện bị kéo dài, không đáp ứng được nhiều yêu cầu của địa phương, ít có sự trao đổi qua lại giữa các ngành để cân bằng bài toán chung cho sự phát triển của tỉnh.  

Từ thực tiễn triển khai lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, xin chia sẻ một số kinh nghiệm về quy trình  và một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện đến khi đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hình thức thực hiện công việc

Liên danh tư vấn trong nước: (1) Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tư vấn chính cùng với (2) Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng, (3) Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (4) Công ty Cổ phần Kiến trúc Việt Bách phối hợp cùng địa phương thực hiện.

Sản phẩm

Thuyết minh

- Thuyết minh tổng hợp Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

- Thuyết minh 17 phương án phát triển ngành lĩnh vực kèm phần đánh giá hiện trạng.

- Thuyết minh 05 nội dung đề xuất.

- 10 phương án đề xuất phát triển huyện, thành phố.

- Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.

Bản đ, sơ đồ

- Các sơ đồ phục vụ nghiên cứu, trình bày báo cáo và thuyết minh.

- Hồ sơ bản vẽ A0 tỷ lệ 1/50.000 – 1/1.000.000 làm bằng phần mềm GIS, Mapifor và Micorotation gồm 58 bản đồ.

Cách thức thực hiện

- Các sở ngành và UBND các huyện lập các báo cáo hiện trạng của huyện, ngành lĩnh vực mình trong giai đoạn 2010- 2020, đề xuất định hướng quy hoạch cho huyện, ngành trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình thực hiện được phối hợp chặt chẽ cùng các đơn vị tư vấn theo ngành và lĩnh vực, tổ chức thực địa, tổng hợp số liệu, làm báo cáo, cùng xây dựng phương án dựa trên đề xuất và mong muốn của huyện và các sở ban ngành trên toàn tỉnh.

- Từng ngành, lĩnh vực và các huyện lần lượt gửi sản phẩm cho nhau, xin ý kiến chéo trước khi từng ngành báo cáo với UBND tỉnh và Tỉnh ủy.

- Các lần chỉnh sửa cũng là lần để các ngành lĩnh vực tự cân đối hài hòa các mong muốn dựa trên nguồn lực thực tiễn của địa phương cũng như khả năng đáp ứng trong tương lai, tiếp tục báo cáo UBND tỉnh và Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện.

Ghi chú:

Quá trình trên nảy sinh tình huống các ngành lĩnh vực mong muốn rất nhiều cho ngành mình và cũng đề xuất mang tính viễn tưởng rất nhiều. Khi đó tỉnh và các ngành sẽ nhìn thấy một cục diện rằng có những vấn đề cần phải có sự thương lượng, lựa chọn, cân nhắc và phân phối nhằm hài hòa trong tổng thể, cân bằng trong phát triển kinh tế cũng như nguồn lực của địa phương.

Đặc biệt là vấn đề vị trí quy mô các khu chức năng dựa trên nguồn lực đất đai cần bảo vệ, làm quá nhiều khu chức năng trong toàn tỉnh thì sẽ phải chuyển đổi rất nhiều về sử dụng đất, mà sử dụng đất thì chỉ có mấy loại đất phải chuyển đó là: Đất nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây ăn trái...) đất lâm nghiệp (rừng, đồi núi…) đất mặt nước, đất chưa sử dụng… mà quata các loại đất cũng không phải là vô hạn. Chính thực tế này mà Tỉnh đã phải giữ một lượng diện tích đất lúa nhất định để đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh, mặt khác khi xin ý kiến Bộ Tài nguyên Môi trường cũng bị cắt giảm nhiều loại đất phát triển mới, đặc biệt là đất phát triển công nghiệp và đô thị.

- Tiếp đến khi thống nhất cơ bản được khung định hướng của các ngành lĩnh vực và các Huyện, thành phố, Liên danh tư vấn cùng địa phương xây dựng khung nội dung thực hiện cho báo cáo tổng hợp và các phương án phát triển các ngành lĩnh vực. Trên cơ sở đó để hoàn thiện và báo cáo chính thức đồ án với lãnh đạo tỉnh.

- Sản phẩm hoàn thiện QH tỉnh lần 1 sau khi được tỉnh thống nhất, được xin ý kiến các bộ ngành và các tỉnh lân cận (tỉnh Bắc Giang chủ động xin). Sau khi nhận được đầy đủ các góp ý của các bộ ngành và các tỉnh lân cận, hồ sơ đồ án được chỉnh sửa hoàn thiện.

- UBND tỉnh Bắc Giang chính thức trình nội dung đồ án cho Hội đồng thẩm định quốc gia (HĐTĐ QG), HĐTĐ QG đã yêu cầu bổ sung các nội dung còn chưa được hoàn thiện hoặc thiếu để đảm bảo yêu cầu trước khi xin ý kiến chính thức từ HĐTĐ QG (phần hoàn thiện mất thời gian và công sức nhất chính là sản phẩm nộp phải là bản đồ số trên cùng hệ thống tọa độ quốc gia và làm trên phần mềm Mapinfor và Microtation, ArcGis, cùng các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường.

- Sau khi hoàn thiện lại bộ sản phẩm để HĐTĐ QG xin ý kiến các bộ ngành liên quan, các chuyên gia phản biện, các góp ý gửi về được HĐTĐ QG tổng hợp gửi lại cho tỉnh Bắc Giang chỉnh sửa để chính thức báo cáo HĐTĐQG tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- HĐTĐ QG có văn bản kết luận các nội dung góp ý cho đồ án.

- Sau đó tỉnh tiếp tục gửi hồ sơ cho Bộ Tài nguyên môi trường để xin ý kiến về Phương án quy hoạch sử dụng đất, Bộ Tài nguyên môi trường có văn bản góp ý cụ thể về một số chỉ tiêu sử dụng đất.

- Tỉnh Bắc Giang đã chỉnh sửa toàn bộ các nội dung và trình lại với Bộ KH&ĐT để trình Thủ tường Chính phủ phê duyệt.

Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện

 Về phạm vi công việc, nội dung cần nghiên cứu, mức độ chi tiết của các phương án đề xuất ngành, lĩnh vực, huyện, thành phố theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt (các nội dung được nghiên cứu xây dựng để tích hợp vào quy hoạch tỉnh).

 Đây là đồ án do Liên danh với tư vấn chính là Viện Chiến lược Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở ngành, huyện, thành phố tại địa phương, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng và bất cập, cụ thể:

- Ban đầu không có hướng dẫn cụ thể cũng như các khung TM hay bản vẽ để thực hiện. Trong quá trình triển khai các bên bàn bạc và tự đưa ra các khung TM và các nội dung cần thể hiện trên bản vẽ, tuy nhiên còn nhiều tranh cãi về mức độ thể hiện và nội dung thể hiện cho từng cấp độ bản đồ. Điều này cũng tạo nên rất nhiều khó khăn khi giao công việc cho các đơn vị cùng lúc thực hiện, ngoài ra việc lĩnh vực nào đi trước, làm tiền đề cho các lĩnh vực khác cũng gặp khó khăn, các dự báo và nhu cầu còn vênh nhau rất nhiều, các quan điểm không đồng nhất trong bố trí không gian và quy mô dự báo phát triển cho các lĩnh vực, về sau trong quá trình báo cáo các lĩnh vực được điều tiết dần và thống nhất dần dần cho từng lĩnh vực làm sao hài hòa trong không gian phát triển chung và đảm bảo các quata đất lúa và đất rừng.

- Sau này Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trình Chính phủ bổ sung thêm các nghị định và hướng dẫn cho các nội dung thực hiện công việc, tuy nhiên các hướng dẫn vẫn chủ yếu là trích dẫn từ Luật quy hoạch gây khó cho quá trình cụ thể hóa. Đây cũng là một yếu điểm mà địa phương có thể vận dụng sai hoặc hiểu sai về mức độ thể hiện trong quy hoạch tỉnh cho các khu vực cũng như các loại hình sử dụng đất, dẫn đến mức độ làm bản quy hoạch sử dụng đất quá kỹ, quá chi tiết, định hình các điểm mốc tọa độ cho các khu chức năng sẽ gây khó khăn cho quá trình triển khai các quy hoạch cấp dưới. Ấn định nhiều khu chức năng không cần thiết lên bản đồ sẽ gây khó cho địa phương khi triển khai các quy hoạch cấp dưới mà trước đây khu vực đó chưa được nghiên cứu thỏa đáng cũng như nền đo đạc địa hình không có.

- Các quy hoạch vùng huyện và vùng liên huyện nếu được hiểu đúng sẽ là các mong muốn và định hình phát triển cho huyện nằm trong tổng thể phát triển của tỉnh và đóng góp vai trò trách nhiệm với tỉnh về chức năng và vai trò ở địa lý, tiềm năng bản địa và kinh tế xã hội, qua đó xác định các định hướng chính, chỉ tiêu cơ bản, mô hình phát triển, các khu chức năng chính cấp đô thị, cấp vùng để làm cơ sở cho việc lập QHXD vùng huyện sau này đúng với ý đồ phát triển QH tỉnh đặt ra. Tuy nhiên nếu sản phẩm của mỗi huyện làm như một bản QH tỉnh thu nhỏ và dùng sản phẩm này quản lý thì gần như không còn gì cho quy hoạch vùng huyện phải làm nhưng rất bó cứng sự phát triển của huyện. Sản phẩm phương án phát triển huyện và liên huyện cần có tính mở, linh hoạt và làm rõ nét hơn định hướng của tỉnh. 

- Về mức độ thể hiện của các phương án phát triển ngành lĩnh vực cần có hướng dẫn cụ thể cho từng lĩnh vực về các yêu cầu cần thiết cho thuyết minh và bản vẽ để tạo nên một iso cho việc thể hiện trong QH tỉnh (Dạng như thông tư 12 của Bộ Xây dựng về sản phẩm và quy cách hồ sơ bản vẽ).

- Xem xét chia tách các hệ thống bản đồ theo các lĩnh vực và loại hình như sau:

+ Đối với hệ thống sơ đồ (A3): sẽ có tất cả các bản vẽ riêng từng lĩnh vực từ hiện trạng đến phương án phát triển.

+ Đối với hệ thống bản đồ đúng tỷ lệ (A0): với khối lượng bản đồ lớn, mật độ thể hiện các ngành lĩnh vực chỉ là Point hoặc mẫu ký hiệu không có tính xác định vị trí, ranh giới, diện tích... nên ghép lại để giảm bớt việc quản lý và kiểm soát các nội dung.

Ngoài ra, việc hoàn thiện hồ sơ sản phẩm cũng là một yếu tố then chốt, từ nội dung, số lượng, bản đồ số cũng gây nhiều khó khăn và thách thức các đơn vị tư vấn. Yêu cầu mới của hồ sơ sản phẩm xác định rõ thể hiện trên bản đồ số phần mềm GIS, Microtion và Mapinfor.

 Về tích hợp trong quy hoạch 

Có thể thấy rằng hiện nay nhiều quy hoạch tỉnh đang có nguy cơ là một sự ghép nối của tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương. Luật Quy hoạch chỉ nêu yêu cầu tích hợp liên ngành nhưng lại chưa hướng dẫn cụ thể cách thức đề phối hợp liên ngành trong khi lập quy hoạch là như thế nào. Quá trình lồng ghép, kết nối các ngành lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng, bởi những quy hoạch cần lồng ghép được xây dựng với các mục tiêu và chỉ số khác nhau, mặt khác với một cơ sở dữ liệu khổng lồ, đa ngôn ngữ và không đồng nhất lại càng khó khăn hơn trong quá trình tích hợp.

Việc thực hiện lập QH tỉnh theo phương thức của tỉnh Bắc Giang cũng là cách làm tốt, đã tập trung các ngành, các địa phương vào các hội nghị để bàn luận trên các chủ đề. Mà các chủ đề này liên quan mật thiết với tầm nhìn đã được hoạch định. Lúc này, đơn vị tư vấn đóng vai trò như người hỗ trợ kỹ thuật để giúp đơn vị quản lý địa phương có được kiến thức cần thiết trong khi bàn luận cùng nhau, sớm có tiếng nói chung, đi đến thống nhất giữa các ngành lĩnh vực, hài hòa cân bằng trong lợi ích chung của toàn tỉnh.

 Về nội dung sử dụng đất trong QH tỉnh

Trong QH tỉnh yêu cầu nội dung lập Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất. Đây là vấn đề còn nhiều tranh luận về mức độ thể hiện, tính pháp lý và các số liệu liên quan đến bản đồ này. Trong quá trình thực hiện, đối với ngành quy hoạch sử dụng đất yêu cầu phải xác định diện tích, vị trí và quy mô đất ở mới, các công trình hạ tầng xã hội đảm bảo các chỉ tiêu và nhu cầu quy hoạch. Điều này rất khó khăn, sẽ là vấn đề trong quá trình quản lý đầu tư theo quy hoạch sau này, việc xác định đất ở trong bản đồ tỉnh là không thể. Chỉ là hiện trạng đất ở thì thống kê và vẽ cụ thể được. Đất ở chỉ xác định trong đồ án QHCT, còn đồ án QHC và quy hoạch phân khu (theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) cũng chỉ xác định được đất đơn vị ở và nhóm nhà ở.

Việc phải xác định rõ các loại đất chuyển đổi trên địa bàn toàn tỉnh cho các loại đất trong định hướng quy hoạch tỉnh cũng là một vấn đề rất khó khăn. Vấn đề lớn ở đây là đối với bản đồ đất các khu vực đã có quy hoạch xây dựng, đô thị, chuyên ngành hoặc xác định các khu chức năng lớn thì bản quy hoạch sử dụng đất sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên đối với các khu vực phát triển đô thị mới đơn cử như việc định hướng 1 huyện thành thị xã, thành phố, 1 xã lên thị trấn thì không thể xác định ngay được các khu vực đất đai phát triển của đô thị đó vì sẽ phải nghiên cứu lập QHC, QHPK, QHCT theo luật QHĐT thì mới rõ được các loại đất cần chuyển đổi.

Mặt khác đối với các loại hình QH cấp tỉnh chỉ còn QH tỉnh (duy chỉ có thành phố trực thuộc trung ương thì còn có quy hoạch ngành cấp tỉnh), do vậy để có cơ sở quản lý, triển khai các hạng mục công việc mà các quy hoạch ngành lĩnh vực cấp tỉnh phải được cụ thể và chi tiết hóa vào trong QH tỉnh lần này. Do đó với tâm lý chung của các tỉnh, thừa còn hơn thiếu, có còn hơn không nên sẽ tạo nên việc cố gắng đề xuất tất cả các nội hàm chuyên ngành cần phát triển cho các giai đoạn vào trong quy hoạch để khi cần sẽ có đủ cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Nếu việc này làm ở cấp quy hoạch chiến lược, quy hoạch không gian thì sẽ không khó, nhưng nếu bị ấn định cụ thể các khu chức năng, các công trình trên bản phương án quy hoạch sử dụng đất thì thật là lợi bất cập hại do sẽ bị bó cứng khi nghiên cứu cụ thể các không gian, đặc biệt là các khu vực xác định sẽ phát triển thành đô thị mới (các khu vực này cần được nghiên cứu cụ thể bằng đồ án QHC đô thị - theo luật QHĐT, nghiên cứu QHXD vùng huyện bằng Luật Xây dựng).

Với mức độ thể hiện và tính pháp lý của bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất tỉnh, để tránh hiểu lầm trong việc ấn định các loại đất cũng như phải xác định cụ thể ranh giới các loại đất trên bản đồ 1 tỉnh (cái này chỉ đúng với việc xác định hiện trạng sử dụng đất), phương án quy hoạch sử dụng đất chỉ nên khống chế các chỉ tiêu chính cho phát triển các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp dịch vụ, quy mô đô thị mới… Các khu vực định hướng mới chỉ nên định hướng quy mô và phạm vi tương đối có thể phát triển trên bản đồ, đặc biệt là đối với các địa phương được xác định sẽ trở thành đô thị trong tương lai.

Lời kết

Mô hình triển khai địa phương cùng vào cuộc và theo sát cùng tư vấn các ngành tạo nên một quy hoạch có tính sát thực cao, thể hiện được sâu sát các ý chí, quyết tâm phát triển của từng lĩnh vực và từng đơn vị hành chính trong tỉnh, xác định được cụ thể ngay một số không gian chức năng về quy mô, vị trí, ranh giới… tạo được một quy hoạch mang tính thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên nếu sản phẩm đồ án quy hoạch quá kỹ, nhiều lĩnh vực thể hiện quá cụ thể, nó sẽ gây khó khăn có các bước triển khai tiếp theo sau này.

Việc hiểu và làm rõ các nội hàm cần thể hiện trong một đồ án QH tỉnh là một việc hết sức cần thiết và cấp bách. Nếu làm đúng, đủ và thấu đáo thì QH tỉnh sẽ là một kim chỉ nam tốt cho định hướng phát triển các lĩnh vực cũng như tạo được tiền đề cho các nghiên cứu các quy hoạch cấp dưới đảm bảo tạo được các thế mạnh và tầm nhìn phát triển của tỉnh, các ngành lĩnh vực sẽ được phát triển đúng hướng, tuy nhiên nếu máy móc, hiểu chưa thấu đáo, đưa nội dung vào trong văn bản và bản vẽ quá chi tiết, cấp độ quá sâu (cấp xã) thì sẽ mất đi tính linh hoạt, khả năng cơ động trong việc bố trí các không gian và khu chức năng, vừa mất đi cơ hội phát triển của địa phương, mất thêm các quy trình điều chỉnh (nếu có). Mong sớm có được khung thực hiện đồ án quy hoạch tỉnh bằng thông tư và sổ tay hướng dẫn với thiên hướng chiến lược, khung hoạch định.

Tài liệu tham khảo

1. Đồ án Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Bài viết trên trang Người đô thị: những bất cập trong quy hoạch tỉnh

3. Các nguồn tài liệu trên mạng truyền thông.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 115+116))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website