ThS.KTS Lê Hoàng Phương
Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, VIUP
-------------------------------------------------------------------------------
1. Sự cố rò rỉ chất thải độc hại trong đô thị
Các sự cố môi trường xảy ra khá nhiều tại trung tâm các đô thị lớn, đa dạng về hình thức, loại hình, đặc biệt là sự xuất hiện của rò rỉ các chất độc hại vào môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất của khu vực đô thị với sự tập trung dân cư đông đúc, rất khó kiểm soát và khắc phục hậu quả về môi trường và tác động rất lớn tới đời sống xã hội đô thị, sức khỏe của người dân và cộng đồng. Việc khác nhau giữa các hình thức sự cố môi trường, mức độ tác động môi trường, quy mô gây ô nhiễm… với nhiều nguyên nhân khác khau, gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố. Các cấp chính quyền và người dân hoàn toàn bất ngờ về các sự cố môi trường xảy ra và lúng túng về cách xử lý, khắc phục. Trong đó, nguyên nhân đến từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm nằm trong các khu vực đô thị, khu vực đông dân cư trong thời gian vừa qua.
Với đặc điểm các khu vực đô thị hóa tự phát, thiếu kiểm soát, các khu dân cư được mở rộng nhanh chóng, với mật độ tập trung cao, vì vậy mỗi khi có sự cố về môi trường đô thị, phạm vi tác động khá rộng lớn, tác động tới lượng lớn dân cư. Như trường hợp ô nhiễm nguồn nước sông Đà, tác động tới hàng triệu hộ dân khu vực phía Nam Thành phố Hà Nội. Sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, ngoài các tác động ô nhiễm không khí do đám cháy gây ra, việc rò rỉ thủy ngân đã là ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước tạo nên vùng ảnh hưởng rộng, hậu quả tác động tới sức khỏe người dân đến nay vẫn không dễ nhận biết và có chế tài xử lý phù hợp với hậu quả môi trường mà sự cố gây ra.
Sự cố ô nhiễm môi trường đô thị không chỉ xuất phát từ các công trình, nhà máy, hoạt động của đô thị, mà còn xuất phát từ các nguồn bên ngoài như ô nhiễm khói bụi từ đốt rơm rạ của nông dân vùng ven đô, từ các nhà máy nhiệt điện cách xa đô thị hàng trăm kilomet, hay từ các hoạt động vận tải hàng hóa, chung chuyển các chất độc hại đi đô thị như vận chuyển hóa chất, xăng dầu, vật liệu nổ. Các sự cố có thể phát sinh từ mọi nơi, mọi lúc, nhưng sẽ được biết nhiều hơn và tác động lớn hơn khi sự cố đó xảy ra trong đô thị tác động tới lượng lớn dân cư.
Khi các sự cố môi trường xảy ra, chúng ta cũng thấy sự lúng túng của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong các phương cách xử lý. Các giải pháp tương đối thụ động, một phần là chúng ta chưa có quy trình xử lý phù hợp, một số sự cố lần đầu tiên xảy ra nên chưa có kinh nghiệm xử lý, một số sự cố do điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn, điều kiện trang thiết bị hạn chế, lạc hậu, nên không ứng phó kịp thời với các sự vụ xảy ra để giảm thiểu các tác động môi trường.
Khi các sự cố xảy ra, phần lớn các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cảnh báo, nhận biết từ khá lâu. Các vấn đề tương tự cũng đã xảy ra tại các đô thị khác ở các nước phát triển trên thế giới. Phần nào trong công tác quản lý phát triển, chúng ra đã xem nhẹ các nguy cơ môi trường có thể xảy ra, không chuẩn bị cơ sở hạ tầng môi trường và biện pháp để ứng xử phù hợp với các sự cố môi trường. Hậu quả là những thiệt hại của cộng đồng và xã hội như chúng ta đã chứng kiến. Để hạn chế các tác động tiêu cực có thể xảy ra, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch trong công tác quản lý phát triển đô thị.
2. Giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu bằng công cụ quy hoạch đô thị
Quy hoạch đô thị từ truyền thống đến hiện đại đều phải nghiên cứu lựa chọn cẩn thận vị trí để bố trí các khu vực chức năng, phù hợp với hoạt động của đô thị, đảm bảo yêu cầu về kiến trúc cảnh quan và đặc biệt là phải bố trí các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cuối hướng gió, đảm bảo khoảng cách ly an toàn với các khu vực đông dân cư và có cơ sở hạ tầng thích hợp để để xử lý đảm bảo các vấn đề môi trường. Tiêu chí môi trường là tiêu chí quan trọng trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án quy hoạch, cùng với các tiêu chí về kinh tế kỹ thuật, cảnh quan, xã hội.
Theo quá trình hình thành đô thị, các khu vực sản xuất công nghiệp, nhà máy được bố trí cách biệt với khu vực đô thị, nằm ở cuối hướng gió, cuối nguồn nước và cách ly bởi các khu vực cây xanh cách ly. Quá trình phát triển đô thị, từng bước xung quanh các nhà máy, khu công nghiệp hình thành các khu vực dân cư, từng bước hình thành các khu đô thị tập trung. Để tránh những tác động tiêu cực về môi trường, các nhà được chuyển đổi sang các lĩnh vực hoạt động sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, di dời các hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra các vị trí mới, ít tác động gây ô nhiễm hơn. Bài học kinh nghiệm này đã được nghiên cứu áp dụng cho các đô thị tại Việt Nam, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm đã được đề ra trong các bản quy hoạch đô thị từ những năm 2000.
Qua các sự cố xảy ra, nhiều giải pháp đã được đề xuất, tuy nhiên giải pháp sử dụng công cụ quy hoạch trong công tác quản lý phát triển đô thị từ tổng thể đến cụ thể phải được thực hiện nghiêm túc theo quy hoạch được duyệt mới đảm bảo phòng ngừa và hạn chế được các tác động của sự cố môi trường có thể xảy ra. Cụ thể như sau:
1) Lựa chọn vị trí: Vị trí của các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp phải được lựa chọn trên cơ sở các phân tích tối ưu về môi trường bao gồm tác động tới môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất và môi trường sinh thái. Các tác động có thể được đánh giá ảnh hưởng tới cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn do đặc điểm các khu vực dân cư nông thôn của chúng ta có mật độ khá cao và đông dân cư. Với yêu cầu này, chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại các hoạt động sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cho vùng rộng lớn như nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất sắt thép, nhà máy điện hạt nhân, các khu vực khai thác khoáng sản…
2) Lựa chọn ngành nghề sản xuất: Việc lựa chọn ngành nghề và công nghệ sản xuất chưa được quản lý, xem xét phù hợp trong thời gian qua. Chúng ta cần phải xem xét từ chối đối với các ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm hoặc sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu. Đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nằm trong các khu vực dân cư hiện nay bắt buộc phải dừng sản xuất và di dời ra khỏi khu vực dân cư. Kiểm soát nguồn gây ô nhiễm từ gốc đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các tác động môi trường.
3) Quy hoạch không gian và hạ tầng phù hợp: Giải pháp tổ chức không gian và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được các yêu cầu xử lý, khắc phục tại chỗ về môi trường của các khu vực, cơ sở sản xuất. Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống hạ tầng xử lý về môi trường chưa được đầu tư theo quy hoạch được duyệt như hệ thống thu gom xử lý nước thải, chất thải. Chất thải chưa được xử lý triệt để đã xả thẳng ra ngoài môi trường xung quanh, khi có sự cố về rò rỉ chất thải độc hại đã xả thẳng ra môi trường; hoặc như hệ thống phòng chống cháy nổ, hàng rào cách ly, rào chắn, tường chắn.
4) Thực hiện theo quy hoạch: Cũng như công tác thực hiện quy hoạch đô thị nói chung, hiện nay ở nước ta, giải pháp quy hoạch được nghiên cứu, phê duyệt khá nhiều, tuy nhiên thực tế triển khai khá ít, chậm triển khai quy hoạch, thực hiện quy hoạch không đầy đủ. Vì vậy, Cần tăng cường các chế tài để thực hiện quy hoạch nói chung và đặc biệt là thực hiện các quy hoạch liên quan tới vấn đề xử lý môi trường như di dời các cơ sở gây ô nhiễm, xây dựng các cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị để ứng phó với các sự cố về môi trường.
5) Quản lý và giám sát môi trường: Sự tồn tại của thực trạng phát triển đô thị, nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra bất kể lúc nào, thời điểm nào, do đó tăng cường công tác quản lý đóng vai trò quan trọng. Các vấn đề môi trường đã được đề ra trong các quy định pháp luật, các quy định cần phải nghiêm túc triển khai, tăng cường sự giám sát phối hợp giữa các bên liên quan để giảm thiểu và phòng chống các vấn đề môi trường có thể xảy ra. Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để giám sát và quản lý môi trường là biện pháp hiệu quả. Ngoài ra việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình ứng phó với các sự cố môi trường để tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các tác hại môi trường và khắc phục các sự cố môi trường.
6) Nguồn lực thực hiện quy hoạch: Các giải pháp quy hoạch chậm triển khai có một phần nguyên nhân do việc nghiên cứu huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm thực hiện đúng mực. Vì vậy, cần có chế tài để huy động được nguồn lực và sự tham gia của các bên trong việc thực hiện các quy hoạch, dự án môi trường như: trách nhiệm phối hợp di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; trách nhiệm phối hợp trong xây dựng các cơ sở hạ tầng xử lý môi trường; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách để huy động được nguồn lực xã hội vào bảo vệ môi trường chung, cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội.
7) Hợp tác, liên kết vùng để xử lý các vấn đề môi trường: Các vấn đề môi trường đã xảy ra không chỉ trong phạm vi nội tại đô thị, còn tác động từ các khu vực, địa phương lân cận. Sự cố môi trường tác động không chỉ trong đô thị mà nó còn có tác động sâu rộng hơn. Do đó, sự hợp tác giữa các cộng đồng, các địa phương, các cấp chính quyền để cùng giám sát, thực hiện và khắc phục môi trường đóng vai trò quan trọng.
3. Lời kết
Mọi hoạt động của đô thị luôn tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố, tuy nhiên việc xảy ra các rò rỉ chất thải gây ô nhiễm độc hại từ các sự cố môi trường xảy ra trong thời gian qua là khá nghiêm trọng và hoàn toàn có thể xảy ra tiếp tục với tác động rộng lớn hơn. Có nhiều nguyên nhân gây ra những tác động tiêu cực của vấn đề này, trong đó có phần không nhỏ trong công tác quản lý phát triển đô thị thiếu kiểm soát trong thời gian qua.
Sử dụng hiệu quả công cụ quy hoạch đô thị, thực hiện quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch là cơ sở quan trọng để phòng ngừa giảm thiểu tác động của các sự cố môi trường có thể xảy ra. Xây dựng đô thị với cơ sở hạ tầng chuẩn mực, theo quy hoạch là giải pháp quan trọng để khắc phục các sự cố môi trường.
Xây dựng hệ thống các quy chế, quy định để quản các hoạt động đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát môi trường và cảnh báo các vấn đề môi trường có thể xảy ra. Kiểm soát các sự cố môi trường cần được nhận thức đầy đủ trong cộng đồng và thực hiện theo các quy trình đầy đủ sẽ giúp chúng ta chủ động ứng phó với môi trường, cân bằng giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội./.