Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cụ thể, sẽ sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm xây dựng chính quyền hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực…
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm
Theo đó, trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính đặt ra câu hỏi mô hình đô thị sẽ ra sao? Cách thức thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị sau sáp nhập?… Trước những thay đổi này, với vai trò là các chuyên gia, nhà khoa học cần có những đóng góp, xây dựng làm sao để đưa ra mô hình quản lý, phát triển đô thị mới phù hợp.
Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật liên quan đến quản lý, phát triển đô thị cũng cần phải thay đổi, ví dụ như phân loại đô thị, tiêu chí đánh giá... Liên kết các mạng lưới đô thị sau sáp nhập; vấn đề đầu tư thúc đẩy phát triển đô thị cùng cần được đưa ra phân tích, thảo luận.
Tại toạ đàm, các diễn giả và khách mời đã đưa ra những đánh giá, phân tích về đóng góp của đô thị với kinh tế dựa trên kinh nghiệm quản lý của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cũng đưa góp ý về tên gọi, cách thức tổ chức mô hình đô thị sau khi sáp nhập.
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu đến từ Chương trình Phát triển Đô thị bền vững (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng: Hệ thống đô thị ở Việt Nam đã và tiếp tục thay đổi lớn theo cấu trúc kinh tế mới. Năm 2025, tỷ trọng kinh tế nông nghiệp của Việt Nam chỉ còn dưới 12% và chỉ có 1/4 lực lượng lao động làm nông nghiệp. Không gian kinh tế đã và đang xoay trục theo hướng tối ưu thời gian tiếp cận đến trung tâm việc làm và dịch vụ là các đô thị. Do đó, lần cải cách này Việt Nam cần đặt nền móng cho các khu vực đô thị đang phát triển và mở rộng nhanh.
Liên quan đến TP.HCM, theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, nếu phải bỏ cấp huyện cần giải quyết việc xây dựng cấp cơ sở như thế nào để phát huy được tính quy mô, hỗ trợ cấp trên quản lý hiệu quả vùng và giữ được quan hệ kết nối với người dân. Từ đó TS. Hiếu đề xuất: Có hai lựa chọn cơ bản, thứ nhất là cấp cơ sở to - ít đầu mối, và thứ hai cấp cơ sở nhỏ - nhiều đầu mối. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc điều phối cấp cao không nên có bước nhảy cóc lớn. Thiết kế cấp cơ sở nhỏ dẫn đến cấp này chỉ đóng vai trò đại diện, không có năng lực để quản lý các vấn đề chuyên môn và cấp trên phải trực tiếp xử lý vấn đề cho hàng trăm đầu mối trực tiếp. Cụ thể, có thể cân nhắc phân chia như sau: Một là vùng lõi có lịch sử lâu đời, phát triển ổn định với bản sắc cần được tách riêng và có hai lựa chọn là giữ quy mô hiện tại (lớn hay nhỏ một chút không quan trọng với quy mô khoảng vài trăm ngàn dân mỗi quận) hoặc gộp lại làm ít quận hơn, hoặc thậm chí chỉ có một thành phố trung tâm ở khu vực phát triển ổn định. Hai là các khu vực mới mở rộng (quận mới, thành phố Thủ Đức và huyện ngoại thành, kể cả tỉnh lân cận nếu sáp nhập) có thể tổ chức thành quận hoặc thành phố trực thuộc. Các khu vực này sẽ tiếp tục phát triển nhanh nhưng đa số ít có bản sắc chung nên có thể được tổ chức lấy theo quy mô tối ưu về tổ chức không gian hạ tầng và dịch vụ. Quy mô có thể dao động từ 500 ngàn tới 1,5 triệu người – tương đương với thành phố trực thuộc trung ương hiện nay.
“Cơ hội để điều chỉnh lần này là rất quý và cần giải các bài toán chiến lược để vùng đô thị có cơ hội phát triển dài hạn bền vững. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các vùng đô thị phát triển nhanh không nhất thiết phải điều chỉnh một lần và cơ hội tiếp tục điều chỉnh sẽ tới khi hạ tầng vùng kết nối nhanh mở rộng, khi công nghệ quản lý phát triển cao hơn, khi nhận thức và năng lực của cả chính quyền và người dân thay đổi” – TS. Hiếu nhấn mạnh.
TS. Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) trao đổi tại Diễn đàn
Ở góc nhìn khác, TS. Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính các tỉnh, thành phố mới sẽ có quy mô tăng lên trung bình khoảng 3-4 triệu dân, riêng TP.HCM và Hà Nội lớn hơn, điều này sẽ làm thay đổi diện mạo các đô thị.
Để quản lý phát triển đô thị hiệu quả sau sáp nhập, TS. Phạm Thị Nhâm đề xuất cách thức tổ chức đô thị khi chỉ còn 2 cấp đơn vị hành chính là cấp tỉnh và xã như sau: Thứ nhất, với các tỉnh, thành phố hiện nay, TS. Nhâm đề nghị tổ chức mô hình “Phường đô thị lớn” và “Phường đô thị nhỏ”. Trong đó “Phường đô thị lớn” sẽ khu vực các phường, thành phố, thị xã trước khi sáp nhập. Trong khi “Phường đô thị nhỏ” sẽ là các xã nông thôn, nông nghiệp xa trung tâm.
Với thành phố trực thuộc Trung ương có tính chất đặc thù như TP. Hà Nội, TS. Phạm Thị Nhâm đề xuất, có thể tổ chức chia làm 3 khu vực đặc trưng gồm: “Phường trung tâm nội đô lịch sử”, khu vực trung tâm thành phố có giá trị kiến trúc lịch sử, cần có cơ chế đặc biệt để quản lý; “Phường nội đô cũ” chính là các phường các quận ngoài khu vực trung tâm và “Phường nội đô mới” là các huyện đang có kế hoạch lên quận.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng: Vai trò đô thị ngày càng được nhìn nhận lớn hơn thông qua việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Về mô hình quản lý phát triển đô thị, theo PGS-TS. Lưu Đức Hải, khi sắp xếp tổ chức lại bộ máy, chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã, về quy mô có thể hiểu cấp xã hiện nay nhỏ hơn cấp xã tương lai, cấp xã tương lai sẽ nhỏ hơn cấp huyện hiện tại. Như vậy cấp xã tương lai chính là huyện, đây là cơ hội để phát triển đô thị. Để phát triển đô thị, PGS-TS. Lưu Đức Hải đề nghị, đối với các tỉnh, thành phố để tồn tại các mô hình: Thứ nhất là thành phố; thứ hai thị xã; thứ ba thành phố trong thành phố và thứ tư là thị trấn trong xã. Cần nhấn mạnh khi tổ chức hai cấp thì thành phố trong thành phố, thị xã hay thị trấn tương đương cấp xã còn tên gọi nên để tồn tại. Cái khác nhau là với đô thị bậc cao (thành phố trong thành phố) thì cán bộ công chức sẽ nhiều hơn, chế độ chính sách nhiều hơn nhưng về cấp chính quyền vẫn là cấp xã.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng nhận định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là cơ hội để tạo nên sự đột phá trong phát triển đô thị, tận dụng để hoàn chỉnh quản lý đô thị, hoàn chỉnh thể chế, tận dụng con người để phát triển. Thay mặt lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng cảm ơn ý kiến của các chuyên gia, diễn giả, đồng thời, TS Đặng Việt Dũng cũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục góp ý bằng văn bản để Tổng hội tập hợp gửi cơ quan quản lý nhà nước nhằm hướng đến quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.