Thẩm định Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) là thành viên trong Liên danh tư vấn gồm 10 đơn vị tham gia lập Quy hoạch này. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Dự thảo Báo cáo quy hoạch TP. HCM tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển trên 5 nội dung: Kinh tế xanh; Đô thị sáng tạo; Hạ tầng thông minh; Xã hội văn minh và Môi trường bền vững.

Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành đô thị có tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước, có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước.

Theo Dự thảo báo cáo quy hoạch TP.HCM, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỉ đồng vốn đầu tư; giai đoạn 2026-2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỉ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỉ đồng cho cả thời kỳ 2021 - 2030).

Thành phố sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án hiện đang chậm tiến độ, có kế hoạch chi tiết triển khai danh mục các công trình trọng điểm, mang tính động lực đảm bảo tính đồng bộ.

Đồng thời, thành phố sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, quản trị hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin về cơ hội đầu tư, đảm bảo công bằng trong việc lựa chọn nhà đầu tư; thu hút tối đa nguồn lực của khu vực tư nhân; đẩy mạnh hợp tác công - tư (PPP).

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng Thẩm định, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch TPHCM, làm rõ điểm nghẽn về thực trạng phát triển du lịch; phương hướng phát triển và tổ chức không gian du lịch; phương án phát triển hạ tầng…

Đặc biệt, các đại biểu, chuyên gia lưu ý dự thảo báo cáo quy hoạch TPHCM cần làm rõ vấn đề ngập lụt, triều cường và hệ sinh thái đất ngập nước khu vực huyện Nhà Bè, Cần Giờ để đề xuất giải pháp phù hợp.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, phản biện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quy hoạch TP HCM đã bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Về một số nội dung lưu ý để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu cơ quan lập quy hoạch làm rõ mục tiêu phát triển tổng quát và cụ thể của TP HCM, làm rõ mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, phát triển không gian mới, động lực mới mang tính đột phá cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị làm rõ tác động sân bay Long Thành đối với phát triển kinh tế - xã hội TP HCM. Đồng thời, cần gắn kết hạ tầng giao thông ngầm với hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, giải quyết ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước…   

Tại hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu, với tỉ lệ 27/27 thành viên đồng ý thông qua (với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện) hồ sơ quy hoạch TP HCM.

Sau hội nghị này, VIUP sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị trong liên danh tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định, chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

 

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website