Tham vấn tổ chức quốc tế về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030

Ngày 26/7 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế đối với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Phó viện trưởng phụ trách VIUP Phạm Thị Nhâm tham dự sự kiện này.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đã trình bày tóm tắt về dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, mục tiêu kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nước ta sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và Quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây.

Quang cảnh hội thảo

Đồng thời hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như: Tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tứ giác động lực TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.

Bản quy hoạch tổng thể quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cũng đưa ra lấy ý kiến về 4 phương án phân vùng và liên kết vùng. Đó là giữ nguyên việc phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay, 3 phương án còn lại là phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội theo hướng tách vùng Trung du miền núi phía Bắc hiện nay thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; 2 phương án còn lại tách vùng Nam Trung bộ thành 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Tại hội thảo, TS Phó Đức Tùng, WB, cho biết, việc phát triển hệ thống đô thị quốc gia cần đảm bảo các yếu tố bền vững và an ninh quốc phòng. Quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hoá dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, dự kiến đóng góp tới 85% vào GDP năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 2,3% diện tích tự nhiên.

Hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống chứ không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc. Quy hoạch và hạ tầng cần đi trước một bước, làm định hướng cho phát triển đô thị. Quy hoạch hệ thống đô thị quốc gia cần có định hướng về những xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho hay, thật khó để đưa mọi thứ vào quy hoạch này, vấn đề là cần dành không gian đáp ứng các thích ứng mới mà chúng ta chưa lường tới được. Cần thay đổi cách tiếp cận theo tổng thể quy hoạch quốc gia - vùng, thay vì theo từng địa phương như trước đây. 

Xử lý các bất cập trong khi triển khai, quy hoạch cần vạch rõ cách thức hoàn thành mục tiêu phát triển về không gian, không phải là quy hoạch tốt đến đâu mà là triển khai tốt đến đâu trong thực tế. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cần được ưu tiên theo trình tự, kết quả để đảm bảo quy hoạch theo thực chất, đảm bảo quy hoạch sát thực tế.

Bình luận về dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam, TS Danny Leipziger, WB, cho biết: Quy hoạch đã thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến môi trường, biến đổi khí hậu và hành lang kinh tế. Việc điều chỉnh quy hoạch giữa kỳ cũng được nhắc đến. Một số vùng kinh tế, với các dự án quy mô lớn cần được lựa chọn kỹ, đánh giá lại chất lượng đầu tư hiện tại trước khi tính tới dự án đầu tư mới. Vấn đề lớn với các bản quy hoạch tới 2030 trở đi là yếu tố bất định ngày càng tăng lên, cả trong điều hành kinh tế và đầu tư.

Theo TS Danny Leipziger, Việt Nam nên coi bản quy hoạch là tài liệu sống, liên tục cập nhật, bám thực tế. Cùng với đó, theo dõi, đánh giá một cách chủ động. Việc học hỏi kinh nghiệm các quốc gia cũng cần được đánh giá, điều chỉnh hàng năm.

(Nguồn:thanhtra.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website