Tỉnh Thừa Thiên Huế có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình tạo thêm cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và quốc gia. Theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của Châu Á. Đến nay, đã được triển khai ở các bước chủ trương và chính sách, việc lập và thực hiện quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế để hoàn thiện các tiêu chí và xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia) cho biết, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích khoảng 4.947km2; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng; phía Tây giáp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Quy hoạch nhằm các mục tiêu: Đến năm 2025, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.
Đến năm 2030, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Quy hoạch đô thị Thừa Thiên Huế với tính chất là đô thị đặc thù trực thuộc Trung ương; bảo tồn phát huy giá trị di sản của quốc gia; là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, với thế mạnh động lực của kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế sinh thái; trung tâm của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; là địa bàn chiến lược về quốc phòng và an ninh khu vực miền Trung và cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp giúp đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo quy hoạch chung với các nội dung quan trọng như: Định vị, tầm nhìn phát triển cho đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai; Dự báo phát triển kinh tế xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số các khu vực đô thị và nông thôn; Định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế...
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cơ bản thống nhất theo nội dung báo cáo quy hoạch. Đồng thời, cho ý kiến thêm về mô hình phát triển, song song phát triển các lĩnh vực kinh tế, ưu tiên phát triển công nghiệp để bảo đảm tăng trưởng, tăng nguồn thu; cũng như nghiên cứu thêm đô thị di sản cần vấn đề gì; trong quy hoạch đô thị cần tính toán chỉ tiêu phù hợp để triển khai bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế thống nhất để trình Tỉnh ủy trong kỳ họp sắp đến. Đồng chí yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát huy vai trò trách nhiệm, tiếp tục tham gia đóng góp ý tưởng, rà soát nội dung để tham gia xây dựng hoàn thiện báo cáo quy hoạch chung cùng đơn vị tư vấn.