Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 quy hoạch của Thủ đô

Chiều 11/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, xem xét, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch Thủ đô) và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (sau đây gọi là Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô). Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) là 1 thành viên trong Liên danh tư vấn (gồm 7 đơn vị) và đảm nhiệm trực tiếp một số nội dung quan trọng trong đồ án này. Bên cạnh đó, VIUP là đơn vị trực tiếp lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trình bày Báo cáo tóm tắt cho ý kiến về hai quy hoạch nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Ủy ban Kinh tế nhận thấy hai quy hoạch đã được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch cần tiếp tục rà soát nội dung của Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm phải cụ thể hóa đầy đủ, chính xác, phù hợp và thống nhất với các quy hoạch cấp cao hơn trong hệ thống quy hoạch.

Đối với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tờ trình của Chính phủ nêu rõ quan điểm, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đối với phát triển Thủ đô Hà Nội; Kế thừa các nội dung, định hướng, chiến lược còn phù hợp của Quy hoạch chung 2011 và các quy hoạch có liên quan; Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Quy hoạch chung 2011 và tổ chức thực hiện; Đề xuất bổ sung các giải pháp quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển mới, tạo nền tảng cho phát triển đồng bộ, đột phá; Mục tiêu thực hiện quy hoạch là trọng tâm để điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng kế thừa và điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2011: Điều chỉnh các định hướng phát triển kinh tế - xã hội; Điều chỉnh dự báo phát triển; Kế thừa và điều chỉnh mô hình cấu trúc đô thị; Kiểm soát phát triển không gian đô thị, nông thôn; Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh và thông minh; Cải tạo và tái thiết đô thị, nông thôn. Đồng thời, đề xuất các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm, như: Phát triển liên kết vùng; Hà Nội - Trung tâm động lực vùng và quốc gia; Phát triển đô thị theo mô hình TOD; Sông Hồng - Biểu tượng phát triển của Thủ đô; Áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô”; Phát triển Cảng hàng không thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; Chiến lược Hành lang xanh; Cải thiện môi trường; Hành động thực hiện quy hoạch…

Cho ý kiến đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện định hướng phát triển không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường bảo đảm đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải là quy hoạch cấp dưới, cụ thể hóa và phù hợp với Quy hoạch Thủ đô. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chương trình, dự án đột phá, trọng tâm của thời kỳ quy hoạch; rà soát, chỉnh lý cho phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đánh giá hai quy hoạch này vẫn còn những nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết nên Ủy ban đề nghị các cơ quan lập, thẩm định các quy hoạch  này phối hợp chặt chẽ để tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là quy hoạch cụ thể hóa, chi tiết hơn Quy hoạch Thủ đô và việc điều chỉnh phải thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế, TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan đã tích cực chuẩn bị hồ sơ của hai quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ Tờ trình hai quy hoạch trình Quốc hội cho ý kiến. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý một số nội dung cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện đối với hai quy hoạch này.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website