Viện trưởng VIUP tham dự Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp”

Ngày 19/11, tại Bộ Xây dựng đã diễn ra Tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân - Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường đã tham dự và đóng góp ý kiến tại tọa đàm.

Tổng biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc tọa đàm

Mục tiêu của tọa đàm nhằm tổng kết các vấn đề còn thiếu trong hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân; đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật. Cùng với đó, tọa đàm sẽ tập trung làm rõ một số vấn đề về thực trạng thủ tục đầu tư cũng như những điểm nghẽn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ để thúc đẩy loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới.

Viện trưởng Lưu Đức Cường tại buổi tọa đàm

Viện trưởng Lưu Đức Cường cho rằng quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp có vai trò và vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nhằm định hướng quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp Việt Nam phát triển đồng bộ với hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia, bảo đảm phát triển bền vững.

Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, để giải quyết bài toán về nhà ở cho công nhân, cần đưa ra một hệ thống giải pháp tổng hợp, đa ngành. Cụ thể là: Đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Bổ sung gói tín dụng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: Bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân); thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và bất động sản.

Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương cần rà soát đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân. Các tỉnh, thành phố khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

(Nguồn:viup.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website