Nga xây dựng kế hoạch phát triển giao thông xanh từ năm 2015 và bắt đầu triển khai từ năm 2018, với Moscow là địa phương đi đầu trong ứng dụng xe điện, đặc biệt là xe buýt điện. Phương tiện này đã được đưa vào hoạt động trên 79 tuyến xe buýt, chạy 100 triệu kilômét và chuyên chở hơn 226 triệu lượt hành khách.
Ưu điểm chính của xe buýt điện so với xe buýt thường là thân thiện với môi trường. Việc thay thế một xe buýt chạy bằng dầu diesel bằng xe buýt điện giúp giảm 60,7 tấn khí thải CO2 mỗi năm. Chỉ sau 5 năm, Moscow đã dẫn đầu châu Âu về số lượng xe buýt điện và tất cả đều được sản xuất trong nước với thời hạn bảo trì 15 năm.
Để có nguồn kinh phí cho việc triển khai xe điện, chính quyền Moscow đã phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 2 năm từ mùa hè năm 2023. Cho đến nay, Moscow đã mua hơn 50 xe buýt điện bằng nguồn vốn từ người dân.
Đáng chú ý, kể từ khi triển khai chương trình xe điện, Moscow đã dành nhiều ưu đãi cho người chuyển từ xe xăng sang xe điện. Đầu tiên là khoản hỗ trợ 925.000 ruble (khoảng 11.800 USD) khi mua xe điện và sẽ giảm dần theo từng năm. Tiếp đó, người dùng xe điện được sử dụng các trạm sạc miễn phí của thủ đô và kể từ năm 2020, người dùng ô tô điện được miễn thuế vận tải.
Xe buýt điện ở thủ đô Moscow
Bên cạnh đó, Moscow cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng xanh và cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện. Công suất của các trạm sạc được đặc biệt ưu tiên thông qua việc lắp các trạm sạc siêu nhanh tại các bến có xe buýt điện, các trạm đầu cuối và dọc theo các tuyến đường. Thành phố dự kiến sẽ nâng tổng số trạm sạc từ 240 trạm năm 2025 lên 11.000 trạm năm 2030, bao gồm cả loại miễn phí và trả tiền, sạc nhanh và sạc chậm.
Trong năm nay, Chính phủ Nga cũng đã điều chỉnh quy trình mua sắm ô tô và phương tiện công, chủ yếu mua xe điện, thay vì xe chạy bằng các nhiên liệu truyền thống. Việc mua xe chạy xăng hoặc dầu diesel chỉ được phép trong trường hợp thiếu cơ sở hạ tầng sạc điện.
Trước đó, từ tháng 3-2022, Nga đã ban hành Bộ quy tắc mới về Bãi đậu xe - Yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy, cho phép xe điện và xe hybrid cắm sạc được gửi chung bãi đậu với xe chạy bằng động cơ đốt trong. Các bãi đậu dành cho xe điện và xe hybrid cắm sạc có thể được bố trí ở các khu vực mở, cũng như trong các bãi đậu xe ngoài trời và trong nhà thuộc nhóm nguy cơ cháy kết cấu C0, C1 (trừ các bãi đậu xe cơ giới và bán cơ giới)…
Đến cuối năm nay, vận tải đường sông sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm tại Moscow. Các bến tàu đã được phát triển để phục vụ cho các tàu thủy chạy điện mới. Các bến tàu này hoàn toàn được xây dựng trong nước, thân thiện với môi trường và không gây hại cho nguồn nước sông cũng như không khí ở thủ đô, đồng thời an toàn cho hành khách.
Khả năng nạp điện trực tiếp cho tàu trong quá trình dừng đậu sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi và khoảng cách di chuyển. Tàu sông sẽ chạy hoàn toàn bằng điện, tất cả hệ thống chính đều được sản xuất tại Nga.
Theo các chuyên gia, đây sẽ là loại tàu hiện đại nhất thế giới trong lĩnh vực giao thông đô thị và có hệ thống cho phép những con tàu này hoàn toàn không cần người lái trong tương lai.