Bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên – “Đã đến lúc cần phải có hành động cụ thể hơn”

Cần triển khai các bước cụ thể trong việc đề xuất cơ chế đặc thù và đưa ra giải pháp quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, khai thác để tìm cho cây cầu Long Biên những giá trị mới, không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn khai thác được cả giá trị kinh tế, nghệ thuật và du lịch… đó là những ý kiến đến từ đại diện các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương, Thành phố Hà Nội; các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, các nhà khoa học và các nhà hoạt động xã hội… tại Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị cầu Long Biên” do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, Công ty Cổ phần Bảo tàng Cầu Long Biên tổ chức vào ngày 25/10 vừa qua.

Toàn cảnh hội thảo

CÂY CẦU BẮC QUA BA THẾ KỶ MANG NHIỀU GIÁ TRỊ

Được khởi công năm 1899, bắc qua sông Hồng và đưa vào sử dụng năm 1902, cầu Long Biên có công nghệ xây dựng hiện đại nhất và là cây cầu dài thứ hai trên thế giới lúc bấy giờ .

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho hay: sau hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần trùng tu. Tuy nhiên, do bị tàn phá bởi chiến tranh và có tuổi thọ quá lớn nên cây cầu giờ đây đã xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông. Hơn nữa, hiện chiều cao tĩnh không của cây cầu đã lạc hậu, khó đáp ứng yêu cầu giao thông đường thủy. Cảnh quan hai bên bờ sông nơi có cây cầu bắc qua dù đã có quy hoạch nhưng hiện vẫn là vùng đất hoang chưa được tôn tạo, làm đẹp cho cửa ngõ vào phố cổ Hà Nội.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Trần Ngọc Chính phát biểu khai mạc Hội thảo

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ: Có thể nói, với thực trạng cây cầu hiện nay đang ở mức báo động nguy hiểm, trong khi những điều kiện để thực hiện dự án đang thực sự ở trong trạng thái “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Vì vậy, cuộc hội thảo hôm nay sẽ là cột mốc quan trọng, góp phần sớm hiện thực hóa mong ước của chúng ta đối với cây cầu huyền thoại, niềm tự hào của Thủ đô và đất nước ta".

CẦN CÓ HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC, BỀN VỮNG

Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, quá trình nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo nên gắn kết cùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt, qua đó tạo không gian văn hóa, du lịch, cảnh quan, thúc đẩy việc quy hoạch và chuyển đổi bãi giữa sông Hồng thành công viên trung tâm của TP cũng như đề xuất những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trong đó có cây cầu Long Biên. Việc bảo tồn, tôn tạo phát  huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.

Tại hội thảo, Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đề xuất: phục hồi lại đúng nguyên bản thiết kế của cây cầu với 20 trụ cầu lớn và 19 nhịp cầu hình dáng như rồng lượn cho tương thích với danh xưng Thăng Long của Thủ đô ngàn năm văn hiến: “Biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ, thành một trung tâm văn hóa đêm của Hà Nội, kết hợp với khai thác bãi giữa sông Hồng, chắc chắn sẽ là điểm độc đáo của du lịch Hà Nội, Việt Nam và thế giới. Đây là một mỏ vàng của du lịch Hà Nội mà chúng ta chưa khai thác”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng: để bảo tồn và tôn tạo cầu Long Biên, bước đầu tiên cần tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng một cách kỹ càng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào. Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực cần tôn trọng tối đa quy hoạch chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa. Ông cho rằng, không nên xây dựng tuyến giao thông thay thế bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại. Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản, càng giảm thiểu hiện diện hình càng tốt. Không tổ chức quy hoạch xây dựng công trình cao tầng quá gần cầu (trong phạm vi 500m). Về phương cách ứng xử về phục chế, ông cho rằng, cần lựa chọn cách phục chế cơ bản giữ được nguyên trạng như thời kỳ cầu được xây dựng và khai thác hết chức năng của thời Pháp thuộc (trước năm 1950). Cách làm phục chế phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trùng tu, đặc biệt là hạn chế tối đa can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết cũng không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn đề xuất các giải pháp

Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đề nghị, muốn giữ cầu Long Biên trước hết TP Hà Nội cần lên tiếng đề xuất cầu Long Biên là một di sản. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm tuyến đường sắt mới thay thế tuyến đường sắt đang chạy trên cầu. Từ đó mới có cơ sở để tiến hành các phương án bảo tồn, tôn tạo cầu Long Biên. Công tác bảo tồn cây cầu là công việc khó và phức tạp, do đó cần xác định bước đi, quy trình thực hiện hợp lý, rõ ràng giữa nhà chuyên môn, nhà đầu tư và chính quyền.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Minh Khôi, trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh: cần nhìn nhận và đánh giá lại giá trị của Cầu Long Biên trên cơ sở lí lịch đời sống của nó trong lịch  sử và mối quan hệ mật thiết của nó với cộng đồng không chỉ ở riêng Hà Nội. Việc đánh giá giá trị là quan trọng cần phải làm trước khi triển khai các chương trình và kế hoạch đầu tư. Trong mọi mặt cần phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển bền vững.

Trong khi đó, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phân tích: Với hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên là một phần ký ức không thể phai nhòa của Hà Nội. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên trong cấu trúc Thủ đô hôm nay không chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật. Điều quan trọng ở đây là hãy coi cầu Long Biên luôn có vị trí đặc biệt trong hệ thống cầu bắc qua sông Hồng (đoạn chảy qua thành phố Hà Nội) như nốt khoá Sol trong điệu Valse tuyệt mỹ trên dòng sông Cái, để kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, làm giàu thêm chất sử thi của Hà Nội ngàn năm văn hiến - văn minh - hiện đại… và để một lần nữa khẳng định lời GS Hoàng Đạo Kính: “Đừng làm đô thị không còn trí nhớ”.

Trong phần thảo luận, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cũng đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của cầu Long Biên và vùng phụ cận một cách hiệu quả nhất. Xây dựng hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận cầu Long Biên là di sản của toàn nhân loại cần được bảo vệ.

Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tham gia thảo luận

Trong dự án bảo tồn, tôn tạo, phát triển cầu Long Biên và vùng phụ cận, công ty Cổ phần bảo tầng Cầu Long Biên đã đề xuất phát triển công trình này thành một hệ thống bảo tàng kí ức, bảo tàng  nghệ thuật đương đại nằm trên dòng sông, có một không hai trên thế giới. Dải cầu dẫn 816m với 131 nhịp vòm xuyên qua phố cổ và chợ Đồng Xuân khi được giải phóng khỏi chức năng giao thông đường sắt, sẽ thiết kế thành một công viên trên cao cho thành phố như kinh nghiệm của công trình Viaduc Des Arts ở Paris hay công viên Hight Line ở New York.

Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 310ha đã được Chính phủ quyết định là khu sinh thái, lá phổi xanh của thành phố tương tự như công viên trung tâm Central Park ở New York, khi kết hợp với cầu Long Biên tạo thành một không gian mở đan xen với các không gian đô thị hiện hữu của phố cổ sẽ làm nên một cảnh quan tuyệt đẹp của Thủ đô.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng tuyến xe điện bánh hơi với tiếng leng keeng gợi nhớ hình ảnh các tuyến xe điện năm xưa, kết nối các tuyến du lịch phố cổ, hoàng thành Thăng Long, lăng Bác. Tuyến ca nô du lịch trên sông Hồng sẽ khơi thông nhánh sông chết, cải tạo môi trường xanh, sạch, cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách bốn phương…

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website