Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định gồm 3 chương, 18 điều; quy định nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm về quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định. Các nội dung khác về quản lý nhà nước đối với CCN không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN; các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN và các đơn vị có liên quan đến hoạt động quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Các nội dung quản lý CCN gồm: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về CCN (điều 4); Xây dựng, điều chỉnh, tích hợp phương án phát triển CCN vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện phương án phát triển CCN (điều 5); Thành lập, mở rộng CCN (điều 6); Điều chỉnh, bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN (điều 7); Lập, phê duyệt, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết CCN (điều 8); Lập, phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN (điều 9); Chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN (điều 10); Thực hiện các thủ tục về môi trường của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN (điều 11); Thu hồi đất, cho thuê đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN (điều 12); Tiếp nhận và thực hiện các thủ tục về đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào CCN (điều 13); Quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích (điều 14); Quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác thông tin báo cáo (điều 15); Công tác thanh tra, kiểm tra (điều 16).
Công tác quản lý, phát triển đối với CCN thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và theo yêu cầu công tác quản lý, phát triển CCN. Sở Công Thương là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh.
Việc phối hợp thực hiện quản lý, phát triển đối với CCN phải đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phối hợp quản lý, phát triển đối với CCN, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động phối hợp nhằm đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, tránh chồng chéo trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thường xuyên phối hợp, kịp thời trao đổi thông tin với Sở Công Thương trong việc theo dõi, giải quyết các công việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với CCN. Chủ động thực hiện các nhiệm vụ có liên quan về công tác quản lý, phát triển CCN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Mỗi lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp; các cơ quan khác có trách nhiệm tham gia phối hợp theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, nội dung công việc, trong quá trình thực hiện cơ quan chủ trì quyết định hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan để giải quyết công việc theo các hình thức: Tổ chức họp hoặc lấy ý kiến tham gia của các cơ quan phối hợp bằng văn bản; tổ chức khảo sát, kiểm tra, thanh tra liên ngành.
Quyết định số 82/2024/QĐ-UBND ngày 29/11/2024 của UBND tỉnh có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2024 và thay thế Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 24/02/2020 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Điều 16 của Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND ngày 14/6/2018 của UBND tỉnh./.