Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 433 km và 3 tuyến monorail với tổng chiều dài khoảng 44 km.
Các tuyến đường sắt đô thị
- Tuyến số 1: Ngọc Hồi-Yên Viên-Như Quỳnh, có chiều dài khoảng 36 km;
- Tuyến số 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi, có chiều dài khoảng 41.8 km và đoạn kéo dài từ Nội Bài đến Sóc Sơn dài khoảng 10.2 km;
- Tuyến số 2A: Cát Linh - Hà Đông, có chiều dài khoảng 13 km và đoạn kéo dài từ Hà Đông đến Xuân Mai dài khoảng 20 km;
- Tuyến số 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở, có chiều dài khoảng 25.7 km và đoạn kéo dài đến Sơn Tây dài khoảng 30 km;
- Tuyến số 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà, có chiều dài khoảng 54 km;
- Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc, có chiều dài khoảng 38.4 km;
- Tuyến số 6: Nội Bài - Ngọc Hồi, có chiều dài khoảng 49.6 km;
- Tuyến số 7: Hà Đông - Mê Linh, có chiều dài khoảng 28 km;
- Tuyến số 8: Sơn Động-Mai Dịch- Dương Xá, có chiều dài khoảng 37 km;
- Tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (kết nối các đô thị vệ tinh) có chiều dài khoảng 32 km.
Các tuyến monorail
- Tuyến M1: Liên Hà - Tân Lập - An Khánh có chiều dài khoảng 11 km;
- Tuyến M2: Mai Dịch - Phú Lương có chiều dài khoảng 22 km;
- Tuyến M3: Nam Hồng - Mê Linh - Đại Thịnh có chiều dài khoảng 11 km...
Hiện nay, TP. Hà Nội đã đưa vào khai thác vận hành hơn 13km tuyến 2A, Cát Linh - Hà Đông với 12 ga và 01 khu depot và đang thi công 12,5km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội (trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km bao gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12 và 1 Depot tại Nhổn. Tiến độ tổng thể chung của Dự án Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt khoảng 78,33% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99,92%; tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 34,1%). Dự kiến đưa vào vận hành đoạn trên cao từ tháng 6/2024.
Cùng với đó, Hà Nội đang đầu từ Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến 2.1) với tổng chiều dài tuyến chính 11,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 2,6 km; đoạn đi ngầm dài 8,9 km. Bao gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm và 1 Depot tại Xuân Đỉnh.
Các tuyến đang chuẩn bị đầu tư, đó là Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai (Tuyến 3.2) có tổng chiều dài tuyến hơn 8,7 km, đi ngầm toàn bộ theo hành lang các tuyến phố Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Tuyến bao gồm 7 ga ngầm và 1 khu lập tầu tại Yên Sở; Tuyến số 5, Văn Cao – Hòa Lạc với chiều dài toàn tuyến là 38,43 km, bao gồm 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga mặt đất và01 ga trên cao) và 2 Depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức và xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.
Các tuyến đang xem xét, rà soát chuẩn bị đầu tư là Tuyến số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình (Tuyến 2.2) với tổng chiều dài khoảng 6 km, toàn bộ đi ngầm bao gồm 06 nhà ga ngầm; Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài (Tuyến 2.3) với chiều dài dự kiến khoảng 19,65 km, bao gồm 12 ga (3 ga ngầm và 9 ga trên cao), 1 depot; Tuyến số 8, Sơn Đồng – Mai Dịch – Dương Xá với tổng chiều dài dự kiến 37 km bao gồm 26 ga và 2 depot.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án những năm qua, Hà Nội gặp phải những khó khăn, như nguồn nhân lực còn thiếu và yếu; công tác giải phóng mặt bằng; Quy hoạch không đồng bộ; các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án không đồng bộ và khác nhau.
Ngoài ra, hiện các dự án phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài nên chi phí đầu tư cao hơn so với thực tế và nhiều yếu tố khác…
Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành 400km đường sắt. Do đó, các chuyên gia giao thông cho rằng, cần tạo ra đột phá và phải hoàn thiện chính sách pháp luật.
Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, thành phố Hà Nội cần triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, bảo đảm quy hoạch đi trước. "Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện bảo đảm khả thi", ông Lê Quang Hùng nói.
Nhấn mạnh về tính đồng bộ của các quy định, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị xây dựng 1 nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Đồng thờ, kiến nghị đề xuất với Quốc hội xây dựng 1 nghị quyết về triển khai hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cũng cho rằng, thành phố Hà Nội dứt khoát phải triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Về cơ chế, Quốc hội cần sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô.
"Thủ đô không phải là của riêng Hà Nội, mà là của cả nước nên phải có đột phá về phát triển giao thông, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị", bà Bùi Thị An nói.
Có thể thấy, việc phát triển đường sắt đô thị ở Hà Nội được kỳ vọng không chỉ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để các vấn đề ùn tắc giao thông mà còn thay đổi được cả thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai, giảm được phương tiện cá nhân và ô nhiễm môi trường.