Đồng chủ trì Hội thảo gồm: ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam.
Dự Hội thảo còn có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo các thành phố Hội An, Ninh Bình, Vinh; lãnh đạo các Sở Xây dựng Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai, Bình Định, Sơn La, Nghệ An…lãnh đạo các Công ty Công viên cây xanh trên cả nước, đại diện tổ chức quốc tế HealthBridge Canada tại Việt Nam.
Theo ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật: Cây xanh, công viên có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng. Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu về cây xanh, công viên là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của đô thị, thành phố và quốc gia.
Trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Tính đến tháng 6/2023, hệ thống đô thị của Việt Nam có 898 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 697 đô thị loại V), tăng 269 đô thị so với năm 1999; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% (tăng trung bình mỗi năm 1%). Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan. Tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức từ 2 – 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới từ 20 – 25m2/người.
Trước thực trạng đó, việc phát triển cây xanh, công viên đô thị đang được các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm. Đảng, Nhà nước đã ban hành những chủ trương, định hướng liên quan đến công tác phát triển cây xanh, công viên đô thị, cụ thể là: Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Ban chấp hành Trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của cây xanh đô thị. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8-10m2/người.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (SDGs). Theo đó, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng triển khai thực hiện SDG 11.7 về bảo đảm tiếp cận không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và nhiệm vụ của Chính phủ giao, thời gian qua, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển cây xanh, công viên đô thị để kịp thời hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý thuận lợi huy động nguồn lực vào phát triển cây xanh, công viên đô thị.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp.
Qua công tác rà soát, pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh, công viên đô thị hiện chỉ có Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị. Tuy nhiên sau hơn 13 năm thực thi, các quy định có liên quan của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 chưa đủ cụ thể để đi vào cuộc sống và các quy định của Nghị định số 64/2010/NĐ-CP đã bộc lộ những điểm hạn chế trong thực tiễn quản lý, đặc biệt là thiếu các quy định về quản lý, phát triển công viên.
Vì vậy, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo với mục tiêu lắng nghe, trao đổi và tham vấn ý kiến, sáng kiến của các quý vị đại biểu, các chuyên gia trong nước và quốc tế về những giải pháp chính sách để quản lý phát triển cây xanh, công viên đô thị, nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đặt ra và khắc phục hạn chế, khó khăn đang tồn tại.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Cao Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá công tác quản lý, phát triển hệ thống cây xanh có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, không chỉ giúp tạo cảnh quan, kiến trúc, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc của công trình, tạo nên những nét văn hóa đô thị đặc trưng mà còn góp phần cải thiện môi trường đô thị, tăng độ che phủ bề mặt và ứng phó biến đổi khí hậu. Chính vì thế, các chính sách về quản lý, phát triển cây xanh, công viên đô thị mang ý nghĩa hết sức to lớn và tác động sâu rộng trong công tác quản lý đô thị trên toàn quốc nói chung và từng địa phương nói riêng
“Nhắc tới Ninh Bình, không thể không nhắc tới Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử và Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới - là một trong những “Công viên cây xanh” lớn bậc nhất của đô thị Ninh Bình với quy mô diện tích đất tự nhiên 12.252 ha. Vì thế, phát triển đô thị Ninh Bình luôn được định hướng với 02 vùng không gian tuy riêng biệt, nhưng cũng gắn kết vô cùng chặt chẽ: Quần thể danh thắng Tràng An - di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư và khu vực phát triển đô thị.
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm đến việc phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, với tiềm năng, lợi thế là vùng đất sở hữu những đặc trưng riêng biệt dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên - sinh thái, văn hóa - lịch sử.
Ông Nguyễn Cao Sơn thẳng thắn đánh giá thực trạng hiện nay: “tại một số địa phương trong nước, song song với quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, bộ mặt các đô thị được cải thiện rõ rệt, quy hoạch không gian xanh, cây xanh trong xây dựng và phát triển đô thị cũng là vấn đề nóng, đang được dư luận, nhân dân chú ý, quan tâm.
Tuy nhiên trên thực tế, tại một số ít địa phương vẫn còn tồn tại những hạn chế, điển hình như việc chưa chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa trong quy hoạch cây xanh đô thị, có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, không tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đô thị, dẫn đến hiện tượng cây trồng xong vài năm lại đốn bỏ, trồng lại mới, vừa gây lãng phí, công sức, vừa gây kém mỹ quan, thiếu đi "bản sắc". Bên cạnh đó, do nhận thức của một số ít hộ dân ở đô thị chưa cao, vì lợi ích cá nhân đã có cách ứng xử thiếu văn hóa đối với cây xanh như lấn chiếm lòng lề đường, triệt hạ cây xanh. Ngoài ra, việc hiện trạng quy hoạch chưa đồng bộ, thống nhất, và quan điểm tôn trọng tự nhiên trong thiết kế còn hạn chế, dẫn đến việc hệ thống cây xanh phải chịu nhiều sức ép, tác động của tập quán của con người lên quá trình sinh trưởng và phát triển. Đây đều là những vấn đề khá phổ biến, dễ gặp phải trong quá trình triển khai quy hoạch cây xanh của các đô thị trong cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng, và nếu chúng ta không kịp thời khắc phục thì sẽ trở thành một trong những di chứng của quá trình phát triển đô thị, đồng thời để lại những ảnh hưởng tiêu cực cho các thế hệ mai sau”.
Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam: Cây xanh không chỉ tạo ra ôxi cho chúng ta sống, giúp không khí trong lành hơn, góp phần quan trọng bảo vệ sức khoẻ con người mà còn là điểm nhấn đô thị, làm đẹp cho xã hội, là thương hiệu của đô thị, tuy nhiên cây xanh ở đô thị nhất là đô thị lớn đang thiếu, chưa đảm bảo chỉ tiêu về diện tích, mật độ nên rất cần cơ quan chức năng quan tâm, đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề này, thậm chí cần thiết xây dựng luật về cây xanh đô thị để định hướng và tạo hành lang pháp lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng Diệp - Ban Khoa học công nghệ, Hiệp hội Công viên, cây xanh Việt Nam đưa ra 1 số giải pháp: Cần thống nhất khái niệm, ký hiệu bản vẽ về xây xanh, nhất là không gian xanh trong đô thị như cây xanh nhân tạo, vườn hoa (có khoảng 36 loại không gian xanh) hiện nay chưa có quy định cụ thể; Bổ sung nghiên cứu về tiêu chí đánh giá hạ tầng xanh, không gian xanh...
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chia sẻ về đặc điểm không gian công cộng của Hội An: “Hội An là thành phố chật chội, đặc thù vừa có đô thị cổ, đô thị cũ và đô thị mới, vừa có đồng bằng, có biển và rừng ngập mặn; mật độ khu phố cổ hội an hơn 10.000 người/km2, cao hơn cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi năm Hội An đón khoản 10 triệu khách du lịch. Do đó, không gian công cộng rất quan trọng và là nơi gắn kết cộng đồng và hình thành lên văn hoá, cấu trúc đô thị đặc thù của Hội An từ đó tạo điểm nhấn riêng biệt để thu hút du lịch.
Từ năm 2015, Hội An tạo ra các không gian mở như toàn bộ tường rào ở các khu công cộng, công viên đều đập bỏ, tạo không gian mở cho người dân tự do vui chơi, sử dụng; ngoài ra Hội An đã xây dựng không gian sạch để tạo môi trường sống và môi trường du lịch văn minh.
Kinh nghiệm của Hội An cho thấy, phát triển cây xanh rất quan trọng, tuy nhiên quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng của hạ tầng công viên xây xanh, ví dụ như ở Hội An đối với các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì kiên quyết sử dụng xây dựng công viên, cây xanh ví dụ như các kiot thuộc khu thương mại trên đường Phan Chu Trinh đã được phá bỏ để xây dựng công viên – ông Lanh chia sẻ thêm.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp thẳng thắn của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý hướng tới phát triển hạ tầng công viên, cây xanh đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.