Cần quy định thống nhất việc đánh số và gắn biển số nhà

Ngày 24/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị về dự thảo Thông tư quy định quản lý đánh số và gắn biển số nhà. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.

Khắc phục tình trạng “loạn biển số nhà”

Báo cáo tại Hội nghị, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu rõ sự cần thiết trong việc phải xây dựng dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà.

Theo đó, dự thảo nhằm đưa ra các nguyên tắc thống nhất trong việc đánh số và gắn biển số nhà để khắc phục tình trạng “loạn biển số nhà”, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… trong thời gian qua. Đồng thời, góp phần thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý của địa phương.

Phó Cục trưởng Vương Duy Dũng cho biết: Việc đánh và gắn biển số nhà hiện tại đang thực hiện theo Quyết định 05/2006/QĐ-BXD. Quyết định này được ban hành trên cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Trong quá trình triển khai từ đó đến nay, các địa phương đã thực hiện cơ bản tốt. Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập và xuất hiện các yêu cầu mới để đáp ứng với công tác quản lý mới (đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý mới).

Ví dụ như tại các khu đô thị mới, các dự án đô thị mới, việc đánh và gắn biển số nhà của các khu chung cư, khu biệt thự, liền kề thấp tầng hay việc đặt tên đường phố trong các dự án tại các khu đô thị mới… phải thực hiện theo đặc thù của dự án đó. Những khu dân cư và đường phố mới hình thành, dân cư không đầu tư xây dựng nhà ở liên tục; khu đất chưa có quy hoạch phân lô chi tiết thì việc đánh số và gắn biển số gặp khó khăn.

Hiện việc gắn biển số nhà cũng liên quan đến chức năng quản lý của nhiều Bộ ngành khác nhau, như việc đặt tên đường, tên phố thực hiện theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng và Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

Bên cạnh đó, việc đánh số và gắn biển số nhà phải đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý mới, đặc biệt là gắn với dữ liệu đồng bộ, liên thông đối với thông tin và dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, các thông tin cơ sở dữ liệu khác, hệ thống thông tin, địa chỉ số…

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sửa đổi quy định về đánh số và gắn biển số nhà, đảm bảo cơ sở pháp lý của quy định và các yêu cầu mới về việc tích hợp chia sẻ dữ liệu và công tác quản lý mới.

Dự thảo Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà gồm 6 Chương, 24 Điều gồm các nội dung quy định cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, tổ chức đánh số, gắn biển số nhà… Đồng thời cũng có quy định về nguyên tắc mới về đánh số nhà riêng lẻ ở đường, phố, ngõ, ngách, hẻm và số căn hộ đối với nhà chung cư.

Các Bộ có liên quan cần phối hợp hiệu quả

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư. Theo ông Phạm Hoàng Vũ, Đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, bưu điện là đơn vị đã thực hiện công tác bản đồ số và địa chỉ số; hiện gặp phải nhiều khó khăn khi thu thập biển số nhà tại các khu nông thôn có địa chỉ không rõ ràng. Bưu điện cũng là đơn vị chuyển phát nhưng hệ thống luôn gặp khó khăn khi phát hàng với những địa chỉ không đánh số nhà chính xác.

Thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà sẽ là công cụ không chỉ giúp đánh số đúng đường, phố, nhà mà còn giúp cho công tác phát triển thương mại điện tử và giao hàng đến các địa chỉ của người dân thuận tiện hơn. Về dự thảo Thông tư, đơn vị đề xuất cần có các giải pháp chi tiết hơn về kết nối các dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hóa các hình thức kỹ thuật; quy định rõ bảng mã màu biển số nhà nhằm tạo sự đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Tài nguyên, UBND quận Ba Đình (Hà Nội), dự thảo Thông tư cần có thống nhất tên gọi, giải thích rõ về đường, phố, ngõ, ngách, hẻm…; có quy định thống nhất về chiều đánh số nhà mặt đường, mặt phố đối với các tuyến đường, phố đặc thù; quy định cụ thể hơn về đánh tên ngõ và chiều đánh số nhà đối với các trường hợp phát sinh sau này, có tính toán nhằm tạo điều kiện cho địa phương, chủ yếu là cấp xã, cấp huyện.

Quan tâm về đánh số nhà dự án khu đô thị, khu nhà ở và công tác quản lý, đại diện UBND quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, vừa qua trên địa bàn quận đã triển khai nhiều dự án mới. Hiện nhiều chủ đầu tư sau khi đầu tư dự án bàn giao cho địa phương quản lý, hầu như không thực hiện rà soát, đánh giá tên ngõ ngách, hẻm; biển số nhà trong phạm vi khu vực mà là địa phương thực hiện. Do đó đề xuất trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư đối với việc đánh số nhà trước khi bàn giao dự án; chủ đầu tư lập phương án, UBND quận, huyện phê duyệt…

Đồng tình với vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất gắn trách nhiệm với chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu nhà ở ngay từ ban đầu. Sở Xây dựng nên là cơ quan tham mưu, hướng dẫn, không là cơ quan quy định về biển số; nên có một quy định thống nhất cho cả nước.

Còn Sở Xây dựng Hà Nội nhận định, cần tăng cường chế tài xử phạt các trường hợp đánh số nhà sai gây bức xúc cho nhân dân; nghiên cứu thêm về cập nhật số liệu, dữ liệu; nên có quy định đối với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về phía Bộ, ngành, theo ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), dự thảo Thông tư cần bám sát các khu công nghiệp, nhà ở công nhân; đánh số nhà đối với nhà trọ; xem xét cụ thể trách nhiệm của Sở Xây dựng, cần phải có báo cáo hàng năm; cần có sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, cần có 1 quy định về nội dung cụ thể về đánh số nhà khi thay đổi tên đường; có cơ chế kiểm tra, giám sát khi đánh số nhà để quản lý thông suốt tại địa phương.

Ngoài ra, đại diện các Bộ, ngành còn cho rằng, nên có phương án đánh số nhà đối với địa chỉ là vùng đất trống; xem xét địa chỉ của cơ quan công sở, pháp nhân, công viên; cần có sự thống nhất về từ ngữ được sử dụng trong dự thảo; xem xét nội dung về lệ phí cấp biển số nhà…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá cao ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương. Các ý kiến này sẽ giúp Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Thông tư. Đồng thời nhất trí với nội dung làm rõ trách nhiệm của địa phương, phân cấp về huyện, xã, từ đó giảm bớt thủ tục; quản lý dữ liệu gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Đối với việc đánh số nhà cho các dự án mới, Bộ Xây dựng ghi nhận các ý kiến và sẽ trao đổi với các chủ đầu tư để hoàn thiện các quy định.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website