Cần thiết đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo khoa học Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội tổ chức ngày 11/4.
Toàn cảnh Hội thảo.
Phải tạo ra đột phá, vượt trội
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm tìm giải pháp giảm xe máy và các phương tiện giao thông cá nhân khác trong giao thông nội đô. Để đạt được mục tiêu này điều kiện tiên quyết là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân. Việc này rất nhiều thành phố trên thế giới đã làm và có những giải pháp khoa học, lộ trình hợp lý, đã loại bỏ xe máy và giảm ôtô cá nhân ở trong nội đô, giảm được ùn tắc giao thông…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.
Tiếp đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2035, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 400km đường sắt đô thị.
Vì vậy, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cần đưa ra các quy định cụ thể, khả thi nhưng cũng phải tạo ra đột phá, vượt trội mới thực hiện được các mục tiêu đề ra, để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo về các lĩnh vực của dự án Luật, trong đó có phát triển đường sắt đô thị phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)… để đưa vào Luật.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là rất cần thiết.
Theo các đại biểu, hệ thống đường sắt đô thị mang đến nhiều lợi ích, điển hình là giảm tắc nghẽn giao thông trong đô thị, tăng cường khả năng di chuyển và tiếp cận các dịch vụ vận tải, rút ngắn được hành trình giao thông, tăng cường được an toàn đường bộ…
Bên cạnh đó, với mức tiêu thụ trung bình 0,12 kWh/hành khách/km, đường sắt đô thị tiết kiệm năng lượng trên mỗi hành khách gấp hơn 7 lần so với việc di chuyển bằng ô tô trong Thành phố.
Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội cho biết, theo tính toán, nếu 1 triệu hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì 1 ngày chúng ta tiết kiệm được 394.000 giờ tham gia giao thông. Nếu 50% số này được đưa vào sản xuất dịch vụ thì chúng ta có thể tạo ra năng suất lao động xã hội là gần 30 tỷ đồng và giảm được khoảng 100 tấn khí thải độc hại.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt
Tuy nhiên, để có được những lợi ích nêu trên, các đại biểu nhấn mạnh, cần phải vượt qua một số thách thức lớn như thách thức về mặt kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, thách thức về hình thành khung chính sách và quy định, thách thức về nguồn kinh phí và tài chính và cả những hạn chế, khó khăn sau khi đưa hệ thống đường sắt đô thị vào khai thác.
Các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đã được quy hoạch của thành phố Hà Nội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị xây dựng 1 nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường cho rằng, nếu có tư duy đột phá, thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. Theo đó, trước hết, cần có các đột phá về cơ chế, chính sách từ tầm của Quốc hội, các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cũng cho rằng, thành phố Hà Nội dứt khoát phải triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Về cơ chế, Quốc hội cần sớm thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô.
“Thủ đô không phải là của riêng Hà Nội, mà là của cả nước nên phải có đột phá về phát triển giao thông, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị”, bà Bùi Thị An nói.