Cấp thiết xã hội hóa đầu tư công viên

Do ngân sách hạn chế nên việc đầu tư phát triển công viên mảng xanh cần đẩy mạnh xã hội hóa, với cơ chế chia sẻ lợi nhuận phù hợp. Khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả nhà nước, người dân cùng hưởng lợi.

“Khát” công viên, cây xanh

Những ngày nắng nóng kỷ lục vừa qua trên khắp cả nước một lần nữa khẳng định sự cần thiết của công viên, mảng xanh đô thị. Một số thí nghiệm thực tế cho thấy, tại những khu vực công viên lớn, hay những tuyến đường trồng nhiều cây xanh, nhiệt độ thấp hơn nhiều ở những “đại lộ không bóng cây”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất thiếu công viên, mảng xanh và muốn triển khai các dự án phát triển là không dễ. Theo số liệu thống kê, TPHCM là đô thị có diện tích cây xanh trên đầu người thấp nhất cả nước, hiện chỉ đạt khoảng 0,55m² / người; trong khi ở Hà Nội là 2,06m² / người, Đà Nẵng 2,4m² /người…

Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã thông tin, trong các đồ án quy hoạch, TPHCM đã quy hoạch diện tích công viên đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thế nhưng rất nhiều dự án “nằm trên giấy” vì thiếu nguồn lực triển khai, khiến người dân trong vùng quy hoạch khổ sở. Cụ thể như người dân ở đường Cây Bàng (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM) phản ánh, khu vực này được quy hoạch làm công viên cây xanh nhưng chưa thực hiện. Nhà cửa nhếch nhác, xuống cấp không được sửa chữa đã đành, nhiều hộ còn thuê làm vựa ve chai, ngày ngày đốt rác phế liệu, dẫn đến ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ…

Trong khi đó, một số “đại dự án” công viên cũng trong cảnh dở dang, mà dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp là một điển hình. Dự án được triển khai từ năm 2002, quy mô hơn 37ha bên bờ sông Vàm Thuật, được thiết kế là một trong những trung tâm giải trí lớn có thể phục vụ 10.000 lượt khách mỗi ngày, hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm. Qua hơn 20 năm, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sai phạm trong quá trình xây dựng, khiến dự án đến nay mới chỉ hoàn thành một số hạng mục. UBND quận Gò Vấp không có nguồn lực triển khai nên công viên được giao về cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng quản lý. Đơn vị này cũng chỉ được giao nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, lắp đặt cụm dụng cụ thể dục thể thao… từ nguồn kinh phí ít ỏi hàng năm của ngân sách.

Bên cạnh đó, một phần mảng xanh khác là các công viên mảng cây xanh được phê duyệt trong các dự án nhà ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện, chậm triển khai hạng mục này, chậm bàn giao hạ tầng cho cơ quan nhà nước quản lý. Đến nay vẫn chưa có chế tài nào xử phạt các chủ đầu tư trong trường hợp trên!

 Mảng xanh của Công viên Nam Sài Gòn, quận 7, TPHCM

Hợp tác, sẻ chia lợi nhuận

Lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM cho biết, hiện TPHCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, nên ngành quy hoạch cũng tiếp thu các phản ánh của người dân để cân đối lại các dự án công viên, mảng xanh cho phù hợp. Trong khi nguồn vốn đầu tư công chưa thể bố trí đủ cho các dự án, thì việc mời gọi tư nhân đầu tư phát triển công viên cây xanh lại chưa thực hiện được. Bởi theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, công viên cây xanh không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức này. Theo Sở Xây dựng TPHCM, công viên là đất do Nhà nước quản lý nên phải tuân thủ quy định về quản lý, khai thác tài sản công

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên - môi trường TPHCM cho rằng, với các công viên hiện hữu, bị bỏ hoang, hoặc chưa được khai thác hết công năng cần đẩy mạnh xã hội hóa. Cụ thể, TPHCM mời gọi các đơn vị tư nhân tham gia xây dựng, cải tạo. Đổi lại, doanh nghiệp được sử dụng 5% quỹ đất để xây dựng công trình phụ trợ, theo đúng quy định của Luật Quy hoạch. Tuy vậy, hình thức này chỉ đáp ứng được khi làm công viên đa chức năng. Còn các công viên đơn thuần và cây xanh đường phố thì phải xác định là dịch vụ công ích, ngân sách nhà nước bố trí đủ để duy tu, bảo dưỡng. Tuy vậy, cũng không nên dựa hoàn toàn vào ngân sách mà có thể cho phép đơn vị công ích được làm dịch vụ để có thêm nguồn thu tái đầu tư phát triển cây xanh, mảng xanh công viên.

“Thành phố cần tạo mọi điều kiện để huy động được nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn khác để đầu tư vào công viên. Trong quá trình đó, cho chủ đầu tư khai thác các khu đa năng để bù lại vốn đầu tư. Chỉ có vậy mới phát triển bền vững”, TS Phạm Viết Thuận nêu ý kiến. Một số ý kiến chuyên gia cũng đồng thuận với cơ chế thu hút đầu tư từ tư nhân cho phát triển công viên, mảng xanh, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế để buộc các nhà đầu tư vừa khai thác sử dụng hợp lý phần không gian được cho phép, đồng thời duy tu, bảo dưỡng đạt yêu cầu đề ra.

Một số chính sách ưu đãi được đề xuất đối với doanh nghiệp, đó là khi quy hoạch ngoài việc dành quỹ đất làm công viên, cần bố trí thêm quỹ đất dành làm thương mại, dịch vụ. Trong một số dự án, thậm chí có thể xem xét bố trí thêm diện tích nhà ở để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn cũng như có kinh phí duy trì hoạt động của công viên, bên cạnh đó là các ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế… Liên quan vấn đề này, Sở QH-KT cho biết, thời gian qua có nhiều đơn vị tư nhân đã liên hệ để được hướng dẫn thực hiện các dự án phát triển công viên, mảng xanh. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn đang áp dụng chung cho cả nước đã phần nào lỗi thời, có nhiều điểm không phù hợp với tình hình riêng của TPHCM. Do đó, TPHCM đang xây dựng bộ tiêu chuẩn mới để áp dụng.

(Nguồn:sggp.org.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website