Nhiều trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức làm việc tại Hoà Lạc. Ảnh VNU
Đây là một trong những nội dung tại Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, Kết luận 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ yêu cầu Hà Nội có lộ trình và cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả việc di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô; có phương án mở rộng không gian phát triển sang phía Bắc sông Hồng; đồng thời tiến hành cải tạo, tái thiết đô thị để nâng cao chất lượng, điều kiện sống, an toàn cho người dân.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu chuyển đổi công năng trụ sở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn để ưu tiên xây dựng các bảo tàng, đặc biệt là Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung tâm chính trị Ba Đình; các không gian văn hoá, sáng tạo, không gian công cộng, công viên cây xanh...
Theo tìm hiểu của Lao Động, di dời các cơ sở sản xuất, y tế không phù hợp quy hoạch; chuyển các trường đại học, trụ sở các cơ quan, trụ sở các doanh nghiệp lớn ra ngoài khu vực nội đô là một trong những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội xác định để mở rộng không gian phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới. Chủ trương để thực hiện việc này đã có từ lâu nhưng thực tế thực hiện rất chậm không như kế hoạch đề ra.
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, có 2 yếu tố khiến việc di chuyển trụ sở ra khỏi nội đô chậm. Đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới chưa thực sự đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của các bộ ngành, bởi các bộ ngành không thể hoạt động độc lập mà liên quan đến nhau, nếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm việc.
Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý chờ đợi giữa các bộ ngành nên chưa tạo ra quyết tâm cao, nên cần phải thực hiện hai yếu tố song trùng. Đó là cần tiến hành di dời đồng bộ tạo sự tương tác giữa các bộ, ngành; xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối giao thông dễ dàng, tránh tình trạng cán bộ đi làm việc, đi họp mất thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, cần có lộ trình, cam kết để mỗi cơ quan bộ, ngành có phương hướng hành động cụ thể.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, trách nhiệm trong việc di dời trụ sở trường học, bộ, ngành đến từ hai phía, trong đó ngành xây dựng quy hoạch địa điểm di chuyển (hiện đã hoàn thành) và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở khu vực này. Nhưng việc đầu tư này không đơn thuần chỉ Bộ Xây dựng có thể làm được, mà liên quan đến nhiều cơ quan, trông đó có việc bố trí, phân bổ vốn của các bộ ngành, đầu tư công trình công cộng…