Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đồng tình, ủng hộ Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Ảnh: Phạm Thắng
Ủng hộ việc Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội
Cuối giờ chiều 26.10, theo phân công của chủ tọa điều hành phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về một số nội dung cụ thể, trong đó có quy định về Tổng LĐLĐ VN làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) để cho thuê, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến đại biểu phát biểu có đề cập vấn đề này đều ủng hộ, một số ý kiến khác cũng băn khoăn.
Theo ông Tùng, về cơ bản cả hai loại ý kiến này đều đồng tình và ủng hộ việc Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư dự án NƠXH, chỉ có phương thức thực hiện như thế nào đang còn khác nhau.
Một loại ý kiến là có quy định cụ thể ngay ở trong Luật Nhà ở. Một loại ý kiến khác là làm thí điểm và đề nghị Tổng LĐLĐ VN trình phương án để Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm.
“Tinh thần chung là chúng ta đều ủng hộ Tổng LĐLĐ VN thực hiện vai trò chức năng rất quan trọng này để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, nhất là quyền lợi an sinh về nhà ở” - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, trong trường hợp có quy định vấn đề này trong Luật Nhà ở, phải có sự sửa đổi đồng bộ trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, có những quy định chặt chẽ để Tổng LĐLĐVN quản lý chặt chẽ dự án này và chỉ để mục đích là cho công nhân thuê. Nếu mở rộng ra các đối tượng khác để cho thuê thì lại không đáp ứng đúng chức năng của Tổng LĐLĐ Việt Nam là chăm lo cho đời sống của công nhân và người lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đã xác định về vấn đề này.
Quản lý chặt chẽ nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ
Về một số nội dung khác trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng cho hay, liên quan đến hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại, một số đại biểu thể hiện quan điểm khác nhau.
Có ý kiến đồng tình với phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, tức là kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở hiện hành với 3 hình thức là đất ở; đất hỗn hợp trong đó có đất ở và đất khác và nhận chuyển nhượng đất ở để làm dự án nhà ở thương mại. Cũng có ý kiến đồng tình với phương án của Chính phủ, có mở rộng thêm.
Cùng với đó, phải đảm bảo quy định chặt chẽ, tránh sơ hở, dẫn đến thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép chuyển các loại đất khác không phải đất ở sang làm dự án nhà ở thương mại.
Phải bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, lợi ích của chủ đầu tư, các doanh nghiệp và lợi ích của người dân trong việc phát triển loại hình ở theo cơ chế thị trường. Nghiên cứu để kế thừa những quy định phù hợp của Luật Nhà ở hiện hành.
Về vấn đề xây dựng lại nhà chung cư, theo ông Tùng, trong phiên thảo luận có nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư và có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo rất rõ ở trong báo cáo giải trình, tiếp thu, đây là vấn đề đã được thảo luận, cũng đã được xem xét. Trong dự thảo Luật Nhà ở, phân biệt rất rõ thời hạn sử dụng nhà chung cư với việc có quy định hay không thời hạn sở hữu nhà chung cư, đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Liên quan đến nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, cơ bản các đại biểu Quốc hội đồng tình với hướng quy định là phải có sự quản lý hết sức chặt chẽ và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Nội dung này được thể hiện trong dự thảo và các cơ quan sẽ nghiên cứu để tiếp thu những đề xuất cụ thể với các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện thêm quy định này.
Về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với phương án trong khu công nghiệp có xây dựng nhà lưu trú với các yêu cầu như đã thể hiện trong dự thảo luật. Các vị đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát quy định chặt chẽ.