Đầu tư hệ thống thoát nước đô thị

Nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống thoát nước tại các đô thị nhằm đáp ứng với nhu cầu và quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, thực trạng tiêu thoát nước chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, việc đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, giảm ngập cho khu vực đô thị được xem là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng yêu cầuGiải pháp thoát nước cho các khu đô thịChủ động xử lý thoát nước, vệ sinh, chiếu sáng mùa bão lụt

 Đô thị Huế những ngày ngập lụt (ảnh chụp năm 2023)

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, phần lớn trên địa bàn toàn tỉnh hệ thống thoát nước mới chỉ được quan tâm đầu tư tại các khu vực đô thị, trung tâm TP. Huế. Cụ thể, tại TP. Huế, tổng chiều dài đường ống thoát nước chính là hơn 123km. Đối với khu vực dân cư cũ thì có hệ thống thoát nước chung (nước thải chung nước mưa), đối với các khu vực chỉnh trang thì hệ thống thoát nước nửa riêng, đối với các khu xây dựng mới thì hệ thống thoát nước riêng (độc lập với nước thải). Nước mưa được thu gom sau đó thoát ra hệ thống kênh mương và các sông (Kim Long, Bạch Yến, Ngự Hà, An Cựu, sông Hương…).

Để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, khu đô thị, về lâu dài quy hoạch cần phải đảm bảo cho không gian nước hoặc thoát ra sông Hương, hoặc thoát về phía đông ra đồng ruộng, từ đó theo hệ thống sông, ngòi, ruộng đồng, đầm phá thoát ra biển. Trên cơ sở đó, nhiều dự án (DA) thoát nước đô thị đã và đang triển khai sẽ góp phần giảm ngập cho vùng dân cư, hạn chế ảnh hưởng thiên tai đến người dân.

Từ năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất danh mục công trình bổ sung sử dụng vốn dư thuộc DA Chương trình phát triển các đô thị loại II - tiểu dự án Thừa Thiên Huế (DA Đô thị xanh). Theo đó, có 11 công trình nâng cấp hạ tầng tiêu thoát nước đô thị, hạ tầng giao thông… dự kiến sử dụng vốn kết dư với tổng kinh phí khoảng hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, có DA kênh sinh thái của Khu A - Khu đô thị mới An Vân Dương, hiện đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ sử dụng vốn kết dư của DA đô thị xanh để thực hiện.

DA kênh sinh thái gồm 2 tuyến kênh. Hướng tuyến kênh 1 có điểm đầu tại đường Văn Tiến Dũng (nối vào kênh đã đầu tư xây dựng), điểm cuối giao nhánh sông Như Ý. Tổng chiều dài toàn tuyến kênh khoảng 1,35km. Quy mô đầu tư gồm xây tuyến kênh, hai tuyến đường giao thông chạy song song, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, điện chiếu sáng, công viên cảnh quan và bố trí các cống hộp giao cắt các tuyến hiện có trong khu vực.

Hướng tuyến kênh 2 có điểm đầu giao đường nhánh giao đường Hoàng Quốc Việt và Tỉnh lộ 1 cũ (kiệt 47 Hoàng Quốc Việt), điểm cuối giao tuyến kênh 1. Tổng chiều dài toàn tuyến kênh khoảng 0,95km. Quy mô đầu tư gồm xây tuyến kênh, san nền hai dải đất hai bên kênh và trồng cây xanh.

Sau khi DA hoàn thành sẽ tạo kênh mương mặt nước mới, kết nối sông Như Ý với sông Lợi Nông. Tuyến cống thoát nước chính của khu vực thuộc DA hoàn chỉnh tuyến đường Võ Nguyên Giáp đoạn nối ra các vị trí cửa xả hạ lưu trên sông Như Ý. Việc đưa vào sử dụng công trình sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ lưu, thoát nước mưa của khu vực, đặc biệt các khu chung cư trên địa bàn phường Xuân Phú như Xuân Phú, Vicoland, Aranya.

Ngoài một số DA quan trọng về thoát nước, chỉnh trang đô thị thuộc DA đô thị xanh triển khai thì trên địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương còn có các DA do các đơn vị khác làm chủ đầu tư như kênh thoát nước hói Vạn Vạn, cầu bắc qua sông Lợi Nông, hạ tầng kỹ thuật khu CX7, cạnh Aeon Mall đều có bổ sung gói thầu hợp phần mương thoát lũ.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, hiện tại UBND tỉnh đang thực hiện DA Phát triển đô thị tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế thích ứng biến đổi khi hậu, chủ yếu làm kè kết hợp đường dân sinh và nạo vét các tuyến sông Hương, sông Như Ý, sông An Cựu để giảm thời gian ngập úng cho thành phố, khu vực phía nam sông Hương. Dự án này cũng đang trình Bộ KH&ĐT để xin Thủ tướng Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay ADB.

Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh thông tin, để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, về lâu dài quy hoạch cần phải đảm bảo cho không gian nước, cần phải giữ, mở rộng và thực hiện hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hồ cảnh quan, hồ tiêu nước, điều tiết lũ, hệ thống công viên, cây xanh, hành lang thoát lũ theo hướng tây sang đông, theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo một thế liên hoàn.

Đồng thời cần tính toán mật độ xây dựng phù hợp, mật độ xây dựng đô thị thấp dần về phía đông, đặc biệt khu mở rộng tiếp giáp khu E – Khu đô thị mới An Vân Dương cần phải nghiên cứu theo hướng nhà vườn, chuyển tiếp từ đô thị sang nông thôn, dành nhiều không gian hơn nữa cho cây xanh, giúp tăng cường thoát lũ.

Tuy nhiên hiện một số tuyến kênh, sông, hành lang thoát lũ còn vướng dân cư hiện trạng dày đặc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, có thể tính đến giải pháp nâng cao độ đường, nhưng phải hạn chế tối đa nâng cao độ các tuyến đường theo hướng Nam - Bắc, bởi nâng tuyến đường sẽ tạo nên các đê chắn khi thoát lũ nếu không có giải pháp kỹ thuật kèm theo. Việc nâng cao độ đường sẽ dẫn đến tăng chênh lệch cao độ với dân cư hiện hữu, đồng thời thay đổi lưu vực thoát nước nên cần phải có đánh giá tổng thể bao gồm cả khu vực lân cận.

(Nguồn:baothuathienhue.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website