Ga Hà Nội. Nguồn: Vinpearl.
Theo đề xuất, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị lập Dự án Cải tạo, sửa chữa nhà ga Hà Nội (tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM), nhà ga Hải Phòng (tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng) và nhà ga Đà Lạt (tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát) nhằm tôn tạo các nhà ga có giá trị lịch sử, văn hóa, đảm bảo an toàn công trình, đồng thời bảo tồn được các công trình kiến trúc có giá trị của đường sắt Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 150 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031.
Cục Đường sắt cũng đề xuất bố trí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế hoạt động đường sắt để kiểm định đánh giá chất lượng công trình các nhà ga, từ đó có cơ sở đề xuất phương án cải tạo sửa chữa phù hợp.
Về sự cần thiết phải sửa chữa 3 nhà ga này, Cục Đường sắt cho hay, cả 3 nhà ga đều được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có giá trị lịch sử, văn hóa và có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, hiện đang có hiện tượng xuống cấp. Trong đó, nhà ga Hà Nội do đã qua nhiều lần cải tạo, nên kết cấu sàn của công trình khá phức tạp. Lớp lát sàn đã xuống cấp và thiếu thẩm mỹ, một số không gian đã xuống cấp đến mức độ không thể sử dụng.
Ga Hà Nội thuộc quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 1, tuy nhiên, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án hoặc phương án quy hoạch tổng thể của TP Hà Nội thì nhà ga Hà Nội vẫn được giữ nguyên như hiện tại, bảo tồn công trình có ý nghĩa di tích, lịch sử. Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa ga để đảm bảo an toàn công trình, đồng thời bảo tồn được công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn.
Tương tự, nhà ga Hải Phòng có một số hư hỏng mà xét về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình, do đó cần sửa chữa khắc phục. Bên cạnh đó, hệ thống dầm thép trong kết cấu sàn gạch bị ăn mòn, cá biệt có dầm bị ăn mòn đến 25% tiết diện.
Cục Đường sắt Việt Nam nhận định, mặc dù sự xuống cấp của nhà ga Hải Phòng hiện nay chưa có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, nhưng cần sớm thực hiện cải tạo sửa chữa để bảo tồn kiến trúc cổ của nhà ga, đồng thời góp phần kéo dài tuổi thọ công trình.
Với nhà ga Đà Lạt đã qua nhiều quá trình cải tạo, kết cấu sàn của công trình khá phức tạp: sàn gỗ, sàn gạch xây cầu, sàn bê tông cốt thép, sàn chống thép. Lớp lát sàn dù một số phần đã lát lại nhưng đã xuống cấp thiếu thẩm mỹ. Vì vậy, cần sớm có phương án cải tạo sửa chữa bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa.