Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức cuộc họp cho ý kiến về các nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuôc họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Thường trực Ủy ban Pháp luật, lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, thời gian qua, ngay sau Kỳ họp thứ 6, các cơ quan đã hết sức tích cực phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Thành phố Hà Nội cũng rất chủ động trong việc đề xuất những nội dung tiếp thu, chỉnh lý. Về phía Ủy ban Pháp luật đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan để rà soát, đối chiếu với thành phố Hà Nội những nội dung này và tiến hành xây dựng báo cáo về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, hầu hết các điều, khoản đều đã được chỉnh lý và bổ sung nhiều nội dung mới.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Phạm Thắng/Quốc hội
Theo báo cáo tại cuộc họp, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo và UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cử đại diện tham gia phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất phương án và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung của dự thảo Luật để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật…
Nhóm nghiên cứu đã rà soát, chỉnh lý và dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau chỉnh lý gồm 8 chương, 57 điều (tăng 1 chương, giảm 2 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội).
Trong đó, đáng chú ý, về vị trí, vai trò của Thủ đô, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, nhóm nghiên cứu và đại diện các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô theo hướng bổ sung quy định Thủ đô Hà Nội “là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt” vào Điều 2 dự thảo Luật. Quy định này có sự tham khảo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân loại đơn vị hành chính.
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15) thì việc công nhận đô thị loại đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện nhất định và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Do đó, việc dự thảo Luật quy định Thủ đô “là đô thị loại đặc biệt” là để ghi nhận thực tế hiện nay và để bảo đảm thực hiện ổn định các cơ chế, chính sách đang được áp dụng cho Hà Nội, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn.
Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất giữ mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Đây là nội dung đã được Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng qua quá trình sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 cho thấy kết quả tích cực, sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như định hướng phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn sắp tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận về một số nội dung lớn, quan trọng hoặc còn có ý kiến khác nhau trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như về áp dụng Luật Thủ đô; về mô hình tổ chức chính quyền, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND; về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp bảo đảm quy hoạch; về quản lý, sử dụng đất đai và phát triển nhà ở; về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; về liên kết, phát triển vùng Thủ đô…