Quang cảnh hội thảo.
Khẩn trương nhưng không vội vã
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, chủ trương xây dựng mới khu Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận từ năm 2008 và Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua cùng năm.
Theo đó, vị trí xây dựng mới Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh Đồng Nai đặt tại xã Tam Phước, huyện Long Thành.
Tiếp đó, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã từng bước tiến hành các bước chuẩn bị cho đề án xây dựng mới khu Trung tâm chính trị-hành chính.
Tuy nhiên, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về tạm dừng đầu tư mới các dự án xây dựng khu hành chính tập trung có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Khu công nghiệp Biên Hòa 1 ra khỏi hệ thống khu công nghiệp nước ta, cho phép chuyển đổi công năng khoảng 325ha diện tích khu công nghiệp này.
Tháng 3/2023, Tỉnh ủy Đồng Nai thống nhất chủ trương di dời vị trí Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh từ Tam Phước về vị trí mới tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 và đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua vào tháng 7/2023.
Khu Trung tâm hành chính-chính trị tỉnh Đồng Nai tại khu công nghiệp Biên Hòa 1 đã được chuyển đổi công năng thành khu đô thị thương mại-dịch vụ, với quy mô khoảng 44ha, trong đó 19ha đất xây dựng các cơ quan hành chính.
Hiện nay, trụ sở của Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII đã hoàn thành và trụ sở Công an tỉnh Đồng Nai đang được xây dựng.
Việc xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính là nhiệm vụ chính trị và đây cũng là công trình có ý nghĩa quan trọng của tỉnh Đồng Nai.
Do đó, thời gian qua, địa phương dốc sức với tinh thần khẩn trương nhưng không vội vã. Đồng Nai đã đi học tập một số tỉnh, thành phố đã triển khai xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính và tiếp tục cần lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà tư vấn.
Tỉnh Đồng Nai mong muốn lựa chọn được mô hình khu Trung tâm chính trị-hành chính bảo đảm “Phù hợp/hiện đại/hiệu quả-thân thiện/biểu trưng”.
Tại hội thảo, 5 đơn vị tư vấn đến từ Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã trình bày về ý tưởng xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh Đồng Nai từ những kinh nghiệm đã thực hiện trong nước và trên thế giới.
Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tỉnh Đồng Nai xây Trung tâm chính trị/hành chính là cấp thiết, nhưng cần chú ý chung quanh làm gì để kích thích sự phát triển đô thị Biên Hòa.
Cùng với đó, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai để thu hút nhà đầu tư. Về kiến trúc cần phải theo hướng xanh, Net Zero để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm với xu hướng phát triển trên thế giới.
Tổ chức thi tuyển quốc tế
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết, việc xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính là quan trọng, được các đơn vị liên quan chuẩn bị thời gian qua, với định vị trí, xác định quy mô, diện tích, đó là những dữ liệu ban đầu.
Hiện, tỉnh đang trong giai đoạn tìm kiếm ý tưởng mô hình xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính, do đó, các ý kiến của đơn vị tư vấn, kiến trúc sư tại hội thảo giúp địa phương có thêm tư duy để lựa chọn phù hợp nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị các đơn vị tư vấn trao đổi thêm về quy mô Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh như thế nào phù hợp, không lãng phí, nhưng cũng không quá hẹp.
Cùng với đó, kiến trúc phải xanh, không gian mở, thân thiện với người dân và bảo đảm các yếu tố quốc phòng-an ninh.
Ngoài ra, Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh phải kết hợp với thương mại, dịch vụ chung quanh. Ngay trong trình thiết kế phải tính toán, làm rõ từng đơn vị, sở, ngành, bộ phận nằm ở vị trí nào trong Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tính toán nguồn lực, hiệu quả về kinh tế việc xây dựng Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh.
Tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh, chú ý thu hút các đơn vị xứng tầm.
Xác định đường găng công việc để thực hiện. Đồng thời, thống kê, lên phương án sắp xếp các trụ sở cơ quan sau di dời vào Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, dù nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nhưng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc của các cơ quan, sở, ban, ngành cấp tỉnh hoạt động phân tán, manh mún.
Tỉnh hiện cũng chưa có quảng trường có quy mô xứng tầm có thể tổ chức được các lễ hội, sự kiện lớn.
Do đó, cần phải xác định quy mô Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh xứng tầm, gắn liền với quảng trường tầm cỡ có thể tổ chức các lễ hội lớn, bố trí các khu trung tâm hội nghị-triển lãm quy mô cấp tỉnh và quy mô cấp khu vực.
Khu Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh phải gắn liền sông nước, phát triển kinh tế sông, kinh tế đêm, kết hợp các chức năng dịch vụ-du lịch-thương mại của khu 325ha và các khu vực chung quanh như khu đô thị cù lao Tân Vạn, khu đô thị Hiệp Hòa để tạo nên khu vực sống động.
Mô hình cũng phải nghiên cứu giải quyết được vấn đề kết nối bằng nhiều phương thức, gồm, đường bộ-thủy-cầu vượt sông-không gian ngầm, kết nối với khu đô thị Biên Hòa hiện hữu, sân bay Long Thành và sân bay Biên Hòa.
Theo tính toán, công trình hạ tầng Trung tâm chính trị-hành chính tỉnh có thể khởi công xây dựng vào quý III/2027, thời gian thi công khoảng hơn 1 năm và dự kiến hoàn thành, nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng khoảng quý IV/2028.
Song song đó, tổ chức thi phương án kiến trúc đối với các công trình thượng tầng thuộc đối tượng phải tổ chức thi tuyển và các khối công trình phân tán.
Dự kiến, khối tháp hành chính/chính trị chính sẽ khởi công xây dựng vào quý IV/2027 và hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng quý I/20230.
Trường hợp áp dụng mô hình hợp khối kết hợp phân tán, các khối công trình phân tán khác cũng sẽ được triển khai cùng với quá trình đầu tư hạ tầng và khối công trình chính.