Kho dữ liệu thông tin quốc gia về nhà đất được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng “thổi giá” xảy ra phổ biến ở các dự án tại các thành phố lớn
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thực tế, từ 2015 các quy định về hệ thống thông tin thị trường nhà ở đã từng được thể hiện trong Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình triển khai, việc thu thập, tổng hợp thông tin gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được tiến độ do có nhiều chủ thể phải thực hiện, tần suất báo cáo, lượng số liệu rất lớn.
Vì thế trong lần này, với sự hỗ trợ tích cực từ các công cụ thống kê số hóa, các phương thức mới trong phân loại, thẩm định, xác định giá nhà, đất và sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng kỳ vọng có thể đưa ra một kho dữ liệu đầy đủ và hoàn chỉnh nhất.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng Dịch vụ tư vấn và Phát triển dự án của DKRA Group cho rằng, việc luật hóa các quy định về dữ liệu thông tin sẽ tạo ra khung pháp lý chặt chẽ, bắt buộc các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải chấp hành việc công bố thông tin, niêm yết giá bất động sản khi đầu tư, mở bán. Điều này sẽ giúp người mua có thể giám sát được thông tin của dự án và các cam kết của chủ đầu tư.
Theo ông Trương Trọng Hiểu (Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), việc xây dựng Nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở hiện nay là rất cần thiết và là nhu cầu bắt buộc để triển khai các quy định đã được đổi mới, bổ sung trong các Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Cụ thể, Luật Đất đai 2024 đã dành một chương (Chương XII) để quy định về hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 cũng dành cả Chương VIII để quy định về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Vì thế việc đồng bộ hóa, hướng dẫn triển khai chi tiết các quy định pháp luật này cần được thực hiện nhanh chóng khi các luật có hiệu lực chính thức.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Dương Trung Phát, Giám đốc Công ty Bất động sản Comhomes cho rằng Bộ Xây dựng cần xem xét kỹ về tính thị trường của dữ liệu giá và sự tin cậy của nguồn cung cấp dữ liệu. “Nếu nguồn từ các văn phòng công chứng thì phải có quy định về rà soát để đảm bảo tính chính xác của dữ liệu”, ông Phát nói.
Góp ý cho dự thảo Nghị định về dữ liệu thông tin thị trường nhà đất mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến, các chuyên gia tại VCCI cho rằng, điều quan trọng của kho dữ liệu là phải thể hiện được các thông tin về giá đối với cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Vì thế, bộ chỉ số đánh giá cần được thiết kế đa dạng, minh bạch hơn để phân tích các yếu tố như biến động giá, số lượng giao dịch, thanh khoản thị trường. Từ đó, niêm yết những mức giá sát với thực tế.
Đối với các quy định mang tính thủ tục hành chính, như yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin chi tiết về toàn bộ dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng; cung cấp các thông tin chi tiết về hợp đồng bán như số, ký hiệu hợp đồng mua bán, cho thuê… VCCI cho rằng Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, lược bớt để giảm phiền hà, cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Riêng về khía cạnh quản lý thực thi của cơ quan chức năng có liên quan đến điều hành hệ thống kho dữ liệu thông tin về đất đai, nhà đất, LS. Dương Thị Chiến (Công ty Luật TNHH Pros Legal) cho rằng, lợi ích và hiệu quả thiết thực của kho dữ liệu chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu các nội dung thông tin được cập nhật kịp thời và đảm bảo thống nhất và phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất. Các nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Đất đai 2024 (Điều 166) nhưng cần được các cơ quan quản lý chuyên trách triển khai nghiêm túc và đồng nhất.
Ngoài ra, việc chủ động hợp tác, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân khai thác hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai, nhà ở cũng cần được triển khai tích cực tại các địa phương.