Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở ngành địa phương; hơn 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư có quan tâm, tham gia đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở xã hội.
Quang cảnh Hội thảo
Thời gian qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 07 dự án với quy mô 1.884 căn đáp ứng cho khoảng 8.000 người và đang triển khai 28 dự án đã có chủ trương đầu tư với quy mô diện tích đất xây dựng 218 ha tương ứng 51.600 căn.
Hiện nay, trên toàn tỉnh Long An có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất đã cho thuê khoảng 2.900 ha/5.982 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 63%; số lượng lao động trong các khu công nghiệp là khoảng 212.000 công nhân, dự kiến đến năm 2030 tăng lên khoảng 305.000 công nhân. Trong đó, phần lớn lao động nhập cư từ các tỉnh thành khác và chưa có nhà ở nên nhu cầu về nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp là rất lớn, chiếm khoảng 50% số lao động hiện tại, khoảng 152.500 công nhân. Với số lượng công nhân và người người lao động có thu nhập thấp tăng nhanh, tập trung đông đã tạo áp lực lớn về vấn đề nhà ở tại một số địa bàn trọng điểm như thành phố Tân An, huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức,…
Theo định hướng phát triển, đến năm 2030, tỉnh Long An phấn đấu hoàn thành 71.250 căn theo Quyết định số 338/QĐ-TTg, ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phấn đấu đầu tư hoàn thành tăng thêm 7.125 căn (tăng 10% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 338/QĐ-TTg), nhằm thực hiện được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Quyết định số 338/QĐ-TTg và đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2030 theo Nghị Quyết số 94/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2025 là 22.500 căn; chỉ tiêu giai đoạn 2026 – 2030 là 48.750 căn; chỉ tiêu phấn đấu đầu tư hoàn thành tăng thêm 7.125 căn.
Mặt dù tỉnh Long An đã tìm nhiều giải pháp để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, kết quả triển khai vẫn còn thấp so với kế hoạch (đạt khoảng 19%), chưa đảm bảo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tại Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội còn phức tạp và mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội; việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trong quỹ đất dự án nhà ở thương mại của các chủ đầu tư còn rất chậm, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan để đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng để khởi công công trình; mức lợi nhuận của nhà đầu tư bị khống chế không quá 10% nên chưa thu hút được các nhà đầu tư; quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch thì đảm bảo quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, tuy nhiên chưa có quỹ đất sạch nên chưa thu hút các nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án; khó khăn từ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được lãnh đạo các ngành tích cực tham gia thảo luận các chuyên đề như: tình hình phát triển nhà ở xã hội tại tỉnh Long An; thực trạng chính sách phát triển nhà ở xã hội; chính sách tín dụng đối với dự án nhà ở xã hội; chính sách thu hút dầu tư nhà ở xã hội,…
Ngoài ra, Hội thảo được nghe các báo cáo tham luận của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; các ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư về nội dung dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo Nghị quyết, quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gồm bố trí ngân sách tỉnh hàng năm dành để hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, để có quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội; (hỗ trợ 80% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tương ứng 800 tỷ/năm); việc bố trí ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, thực hiện theo quy định tại Điều 80 Luật nhà ở 2023.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Huỳnh Văn Sơn cho biết tỉnh Long An định hướng công nghiệp và thương mại dịch vụ được xác định là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều khu, cụm công nghiệp mới sẽ được đầu tư và đi vào hoạt động, số lượng công nhân và nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng mạnh. Vì vậy, để sớm giải quyết vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân hiện nay và cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới là hết sức cần thiết và cấp bách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ giúp tỉnh Long An tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Ông yêu cầu Sở Xây dựng, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai đảm bảo chỉ tiêu nhà ở xã hội đã được Chính phủ giao, đến năm 2030 hoàn thành 71.500 căn. Trong đó, rà soát, xây dựng chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phải cụ thể, rõ ràng; tập trung, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng lúc, từng nơi, từng quý, năm và cả giai đoạn của chương trình.
Các Sở ngành và địa phương phải phối hợp thực hiện đồng bộ các loại chính sách từ đất đai, đầu tư, xây dựng, các loại thuế, chính sách cho người lao động, chính sách đặc thù của tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý Quỹ nhà ở xã hội. Tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện để phát triển các dự án bất động sản tạo nguồn cung. Một trong những khó khăn, vướng mắc thời gian qua về phát triển nhà ở xã hội đó là vấn đề thiếu nguồn vốn, do đó, cần phải đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đối với nội dung dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến thảo luận và hoàn thiện lại nội dung Nghị quyết, tham mưu UBND tỉnh trình thông qua HĐND tỉnh vào kỳ hợp lệ cuối năm 2024, đảm đảo đúng quy trình, quy định./.