Hà Giang: Nghiên cứu, mở rộng vùng Công viên địa chất sang các huyện phía Tây

Ban Quản lý Công viên địa chất chủ trì, phối hợp với Viện khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các chuyên gia của Mạng lưới CVĐC toàn cầu nghiên cứu, đề xuất mở rộng CVĐC sang 3 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch khu vực vùng núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) giai đoạn 2023 - 2027, vừa được UBND tỉnh Hà Giang thông qua.

Vượt qua 3 kỳ tái đánh giá, Cao nguyên đá Đồng Văn một lần nữa vinh dự được đón nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Để phát huy những kết quả đạt được và phấn đấu giữ vững Danh hiệu cao quý này, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2023 - 2027. Một trong những mục tiêu lớn nhất của Kế hoạch là đưa toàn vùng CVĐC đi vào phát triển bền vững, với nguồn lợi tập trung về đồng bào địa phương, bước đầu xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ dần du lịch "bao cấp", để du lịch tự nuôi du lịch và phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống tinh thần của người dân địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần bảo tồn các giá trị di sản trên vùng CVĐC. Đây cũng là tiền đề xây dựng Khu du lịch quốc gia - CVĐC và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, khuyến nghị của UNESCO trong các kỳ tái đánh giá. Chất lượng du lịch vùng CVĐC theo đó phải được nâng cao và đảm bảo theo các tiêu chí của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) là: bền vững, xanh, thân thiện với môi trường và tự nhiên. Mục tiêu xa hơn là thực hiện kỳ tái đánh giá năm 2026 thành công, tiếp tục đạt danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO giai đoạn 2026 - 2030.

Kế hoạch được UBND tỉnh Hà Giang xây dựng và triển khai theo lộ trình, có tính logic, dưới sự tư vấn của Nhóm chuyên gia, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ về tổ chức bộ máy quản lý; nguồn nhân lực quản lý, vận hành CVĐC; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; công tác phát triển Du lịch; công tác quản lý, vận hành các điểm di sản, tuyến đường du lịch trải nghiệm; đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển bền vững; công tác Giáo dục cộng đồng; ứng phó biến đổi khí hậu; hoạt động truyền thông, quảng bá; nghiên cứu khoa học; hoạt động Mạng lưới; nhiệm vụ tái đánh giá 2026; chuyên gia tư vấn;…

 Đoàn chuyên gia tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khảo sát, đánh giá thực địa tại huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Trong số này, nhiệm vụ ưu tiên cao nhất về mô hình, tổ chức bộ máy quản lý CVĐC. Theo đó, sẽ tổ chức lại bộ máy Ban Quản lý CVĐC theo khuyến cáo của các chuyên gia tư vấn của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO; đồng thời nghiên cứu đề xuất mở rộng CVĐC sang 3 huyện: Hoàng Su Phì, Xín Mần và Vị Xuyên, tạo điều kiện quảng bá ra thế giới, thúc đẩy phát triển du lịch khu vực vùng núi đất phía Tây của tỉnh. Đây là chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang sau khi xét thấy mô hình CVĐC đã phát huy lợi ích tốt đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Về nguồn nhân lực quản lý, vận hành CVĐC, Hà Giang sẽ thành lập các tổ kiểm tra, chuyên môn về CVĐC với sự tham gia của các Sở, ngành liên quan; kiện toàn lại BCĐ cấp huyện với lãnh đạo BQL là thành viên; xây dựng các công cụ, phương pháp và kỹ năng quản lý như biểu theo dõi, quản lý tình trạng vệ sinh, bảo tồn tại các điểm du lịch và di sản, công tác giáo dục cộng đồng, công tác phát triển, hệ thống dữ liệu…

Đáng chú ý trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất khoanh vùng các cụm, điểm di sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn CVĐC trong đó tập trung vào hệ thống hang động, hố sụt và các khu vực nguy cơ sụt; các điểm, cụm di sản đang khai thác. Hàng năm lập hồ sơ xếp hạng Di tích Danh thắng và Di sản Văn hóa Phi vật thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp quốc gia, cấp tỉnh để bảo vệ theo quy định. Hoàn thiện các quy định về xây dựng trên CVĐC phù hợp với các khoanh vùng di sản để bảo tồn kiến trúc truyền thống và hài hòa với cảnh quan. Ngoài ra, bảo tồn kỹ thuật xây dựng nhà truyền thống; bảo tồn các bí quyết cổ truyền của các dân tộc trên vùng CVĐC như kỹ thuật dệt lanh, rèn, đục đá, đan lát, cày nương đá, chạm bạc, chế tác nhạc cụ…

Về công tác phát triển du lịch, tỉnh sẽ xây dựng Bộ quy tắc du lịch trên CVĐC và ban hành các chế tài về xử phạt công khai đối với các hành vi vi phạm; truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch CVĐC với các tuyến đường trải nghiệm tại các hội chợ xúc tiến du lịch và trên các kênh truyền thông; xây dựng bộ tiêu chí và quy chế quản lý đối với các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên CVĐC; tổ chức tuyên truyền đến từng thôn, bản, cộng đồng về giá trị, lợi ích và ý nghĩa mà các sản phẩm thủ công truyền thống mang lại, qua đó vận động người dân quay trở lại sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống và ứng dụng vào phát triển sản phẩm du lịch đạt hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, sẽ tiến hành thu phí tham quan CVĐC, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch…

Để quản lý các điểm di sản, tuyến du lịch và vùng CVĐC, tỉnh sẽ hoàn thiện lộ trình tuyến 4; điều chỉnh, nâng cấp 3 tuyến du lịch trải nghiệm hiện có; xây dựng tuyến đường trải nghiệm kết nối 2 CVĐC Hà Giang và Cao Bằng; hoàn thiện trưng bày và đưa vào khai thác sử dụng Bảo tàng Đồng Văn vào năm 2024; xây dựng cổng vào CVĐC mới tại địa phận huyện Quản Bạ; nghiên cứu các phương án tăng sức hấp dẫn của các điểm di sản địa chất; đổi mới mô hình quản lý các điểm di sản, điểm dừng chân;…

Đặc biệt, về cơ sở hạ tầng, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dân sinh; quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường; phủ sóng kết nối 3G, 4G trên toàn bộ các tuyến đường du lịch của CVĐC; nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình tại các điểm dừng chân, các Trạm thông tin đáp ứng nhu cầu du khách…

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018-2022 diễn ra mới đây, các chuyên gia tư vấn của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO đã đưa ra một số khuyến cáo như: tình trạng xâm hại di sản, khai thác đá trái phép, xây dựng các công trình dự án, nhà ở dân dụng… vi phạm các quy hoạch phát triển vùng. Dịch vụ du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sản phẩm hàng hóa lưu niệm du lịch chưa phong phú, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư.

Cũng theo các chuyên gia, Hà Giang cần quan tâm, hỗ trợ công tác khoanh vùng bảo tồn mới; ban hành các quyết định để bảo đảm cho công tác bảo tồn phù hợp về mặt pháp lý. Thiết lập hệ thống phản ứng nhanh tại các địa phương để tiếp nhận thông tin và can thiệp ngay từ đầu đối với các hành vi vi phạm công tác bảo tồn. Hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ về xây dựng trong vùng Công viên địa chất, bảo đảm bảo tồn kiến trúc truyền thống hài hòa với cảnh quan…

Tiếp thu những khuyến cáo của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh Hà Giang phấn đấu giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ tái đánh giá, đồng thời hoàn thành các tiêu chí và khuyến nghị của các chuyên gia. Hà Giang cam kết tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân vươn lên giảm nghèo bền vững. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030 đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.

Tháng 10/2010, CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn bao gồm diện tích thuộc địa giới hành chính 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (GGN) công nhận là thành viên chính thức và tạo nên thương hiệu CVĐC duy nhất ở Việt Nam, thứ 2 ở Đông Nam Á thời điểm đó.

Kể từ sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, diện mạo Hà Giang nói chung, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy; đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến hết năm 2022, khoảng 65% du khách đến với Hà Giang đều lựa chọn thăm quan khu vực CVĐC. Trong giai đoạn 2010-2020, lượng khách và doanh thu du lịch trên vùng CVĐC tăng trung bình 15-20% mỗi năm, cao hơn mức trung bình toàn tỉnh (10% mỗi năm) và là động lực phát triển du lịch chính của tỉnh. Những năm gần đây, du lịch phát triển đã góp phần thay đổi rõ nét diện mạo kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo 4 huyện vùng cao nguyên đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang luôn đạt trên 6%/năm, cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh.

Từ khi được UNESCO công nhận là thành viên GGN, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng Mạng lưới và xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO để tiếp tục giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây không chỉ là niềm tự hào đối với mỗi người dân Hà Giang mà còn là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang trong trong thực hiện các cam kết UNESCO về bảo tồn và phát triển Công viên địa chất.

(Nguồn:dangcongsan.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website