Một góc của tỉnh Hà Nam. Ảnh: VGP
Ngày 2.8, theo tìm hiểu của Lao Động, UBND tỉnh Hà Nam vừa có quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chương trình nhằm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, các khu đô thị, khu nhà ở đồng bộ; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị Hà Nam theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững, đáng sống, kinh tế phát triển vững chắc, nằm trong chuỗi đô thị động lực với vai trò chia sẻ, hợp tác, liên kết các chức năng trong Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng.
Phấn đấu tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Về các chỉ tiêu, tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt trên 50%, đến năm 2020 đạt trên 60% và đạt 2050 đạt trên 70%.
Chỉ tiêu về số lượng đô thị, giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hà Nam có 9 đô thị, trong đó, phấn đấu TP Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I thuộc tỉnh; 2 đô thị loại III: thị xã Duy Tiên (tiến tới thành lập thành phố); thị xã Kim Bảng (cơ bản đạt tiêu chí loại III); 4 đô thị loại IV và 2 đô thị loại V.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 254.648 tỉ đồng.
Nguồn vốn thực hiện chương trình tập trung vào 3 nguồn vốn chính: Nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI); Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
UBND tỉnh Hà Nam cho biết, giải pháp về cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư sẽ ưu tiên nguồn vốn ngân sách tỉnh, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn tín dụng ưu đãi đầu tư;
Xác định việc sử dụng ngân sách đầu tư phát triển đô thị hiệu quả, có tác dụng làm hạt nhân kích thích thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách. Có biện pháp phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn từ khai thác quỹ đất cho phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Xây dựng chính sách phát triển hạ tầng đô thị bằng nhiều nguồn vốn, khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước. Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư phát triển đô thị.