Hà Nội sẽ có hơn 400 km đường sắt đô thị

Dự kiến tháng 7 tới, 8,5 km trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại trong khi 4 km đi ngầm vẫn đang thi công. Từ nay đến năm 2035, Hà Nội phải hoàn thành gần 405 km đường sắt đô thị còn lại.

Các dự án đường sắt đô thị ở Thủ đô được nghiên cứu và phát triển từ hơn 20 năm trước, tuy nhiên quá trình thực hiện rất chậm. Có nhiều nguyên nhân cho việc chậm trễ này như: chi phí đầu tư mới chỉ đạt khoảng 20% so với nhu cầu, mất nhiều thời gian xây dựng quy trình và duyệt quy trình dự án.

Những vấn đề này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong triển khai thực hiện. Thậm chí là những chính sách đột phá để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch. Luật Thủ đô cũng đang được dự thảo, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho phát triển đường sắt đô thị.

Dự kiến tháng 7 tới, 8,5km đi trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại. Trong khi 4 km đi ngầm vẫn đang thi công dù dự án đã được khởi động từ 14 năm trước.

Theo kế hoạch sau điều chỉnh, phải đến năm 2027 mới xong toàn tuyến. Như vậy cần đến 17 năm để hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị dù kế hoạch ban đầu chỉ là 5 năm.

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị trong 11 năm tới, đến năm 2035 Hà Nội còn phải hoàn thành gần 405 km còn lại, với kinh phí khoảng 850 nghìn tỷ đồng. Điều này là khó khả thi về mặt thời gian cũng như bố trí nguồn lực. Tuy nhiên theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm triển khai những năm qua, Hà Nội vẫn có thể hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch.

Luật Thủ đô cũng đang được dự thảo, sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho phát triển đường sắt đô thị. Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng TOD, trong đó có phát triển các tuyến đường sắt đô thị.

TOD là một mô hình mới mẻ tại nước ta. Để có thể tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này, thời gian tới, cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp mang tính đột phá.

Trong đó, trước hết cần xác định rõ quan điểm ưu tiên gắn sử dụng đất với phát triển giao thông công cộng như hệ thống đường sắt đô thị. Có như vậy mới có thể hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị Thủ đô theo quy hoạch với tổng chiều dài gần 420km.

(Nguồn:hanoionline.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website