Hà Tĩnh: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghi Xuân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

Hà Tĩnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch vùng huyện Nghi Xuân phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh; phát huy thế mạnh về vị trí chiến lược của huyện, tạo ra bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của huyện trong vùng.

Một góc thôn Xuân Sơn (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân).

Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch: Toàn bộ ranh giới hành chính huyện Nghi Xuân; với tổng diện tích tự nhiên: 22.251,1ha. Phía Bắc giáp thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; phía Nam giáp các huyện Lộc Hà, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh; phía Tây giáp huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; phía Đông giáp biển Đông.

Với tính chất là vùng kinh tế tổng hợp có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; là vùng có tiềm năng phát triển du lịch, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hóa lịch sử; là đầu mối giao thông quan trọng và là trung tâm thương mại, dịch vụ cửa ngõ của vùng phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.

Mục tiêu: Cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch vùng huyện Nghi Xuân phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát huy thế mạnh về vị trí chiến lược của huyện, các tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan để tạo ra bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của huyện trong vùng tỉnh Hà Tĩnh.

Thiết lập các vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, các cơ sở kinh tế - xã hội (như khu nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, hệ thống hạ tầng xã hội…) khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cấp tỉnh, cấp huyện là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện theo hướng cân bằng và bền vững. Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị - nông thôn vùng huyện, xác định tính chất quy mô của hệ thống đô thị, lập kế hoạch cải tạo nâng cấp, xây mới, phân loại đô thị… trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện Nghi Xuân thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Đề xuất phân bố không gian phát triển nông nghiệp, xây dựng công nghiệp, du lịch - dịch vụ, hệ thống hạ tầng xã hội, tổ chức phát triển giao thông và phân bổ các công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường bền vững ở đô thị và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện đạt tiêu chí đô thị loại III, dự kiến thành lập thị xã khi đạt đủ tiêu chí và đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Tạo lập cơ sở pháp lý để triển khai và quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch - dịch vụ, các vùng nông nghiệp... tiền đề thu hút đầu tư phát triển trên địa bàn huyện; làm cơ sở pháp lý cho công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, lập chương trình, kế hoạch triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện…

Với tầm nhìn: Khai thác thế mạnh biển, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với các trụ cột về du lịch, dịch vụ, thương mại, hướng tới đô thị trung tâm kinh tế, văn hóa cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, một khu vực phát triển với thế mạnh liên kết vùng phát huy nguồn lực và trí tuệ của hai tỉnh. Xây dựng hệ thống đô thị phát triển hợp lý và bền vững, gắn kết được cộng đồng xã hội giữa đô thị và nông thôn; vùng du lịch chất lượng cao, đa dạng, giàu bản sắc, gắn liền với gìn giữ văn hóa dân tộc, cách mạng truyền thống và bảo vệ môi tự nhiên; có chất lượng sống tốt, phát huy các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực…

UBND huyện Nghi Xuân (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định, đề xuất) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung thẩm định, sự phù hợp với các quy định pháp luật và các kiến nghị, đề xuất tại các văn bản trình, thẩm định nêu trên; không hợp thức hóa sai phạm (nếu có).

UBND huyện Nghi Xuân ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch; tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch; thực hiện quản lý quy hoạch, quản lý đất đai theo đúng quy định hiện hành; tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tham gia quản lý và thực hiện quy hoạch.

Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hàng năm cân đối, tham mưu bố trí, lồng ghép nguồn vốn ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch được duyệt.

(Nguồn:baoxaydung.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website