Hiến kế để tái thiết đô thị Biên Hòa

Đô thị Biên Hòa có lợi thế mà ít nơi nào trong vùng Đông Nam Bộ và cả phía nam có được. Tuy nhiên, đô thị Biên Hòa đang ngày càng trở nên chật chội, cần được tái thiết để vùng đất có truyền thống hơn 325 năm này bứt phát trong thời gian tới.

Chiều 24/4, Báo Đồng Nai phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, huy động nhân dân thành phố Biên Hòa xây dựng văn minh đô thị”.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai Đào Văn Tuấn cho rằng, Biên Hòa có lịch sử hơn 325 năm hình thành và phát triển. Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị Biên Hòa vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế mà ít nơi nào có được.

Cụ thể, Biên Hòa đang đối mặt với quá tải về hạ tầng đô thị, nhất là các tuyến giao thông cửa ngõ và khu trung tâm trở nên chật chội và mất mỹ quan đô thị đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền thành phố nhiều áp lực.

Tổng Biên tập Báo Đồng Nai mong muốn qua buổi tọa đàm làm sâu sắc hơn những kinh nghiệm, bài học, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những giải pháp mới, có tính khả thi cao để góp phần phát triển đô thị Biên Hòa xứng tầm.

Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học và chính lãnh đạo các phòng, ban, chính quyền địa phương. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị, Biên Hòa cần tiếp tục hướng đến những tiêu chuẩn cao về phát triển đô thị trong nước và quốc tế. Thành phố cần nâng cao tỷ lệ cây xanh, quan tâm quy hoạch và đầu tư cho hệ thống công viên.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đánh giá chủ đề của buổi tòa đàm rất gần gũi, xuất phát từ tình hình thực tế của đô thị Biên Hòa; đồng thời các tham luận đã đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể đối với Biên Hòa trong thời gian tới để phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị chính quyền thành phố Biên Hòa nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, nhất là đề xuất giải pháp của các nhà khoa học để áp dụng vào giải quyết các vấn đề đang đặt ra mà đô thị Biên Hòa đang gặp phải.

Thành phố Biên Hoà là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai, có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh. Hiện là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là đơn vị cấp huyện có số dân lớn nhất cả nước (Ngoại trừ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh theo cơ chế đặc thù của Quốc hội). Dự kiến, đến năm 2030, thành phố Biên Hoà có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; năm 2045 đạt từ 1,9-2 triệu người.

Với dân số trên, Biên Hòa đang có số dân đông hơn khoảng 30 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước. Hàng năm Biên Hòa lại phải tiếp nhận thêm một lượng người khá lớn từ khắp mọi miền đất nước đến làm việc, sinh sống.

Cùng với lợi thế dân số đông cung cấp nguồn nhân lực, thu hút nhân tài thì cũng đặt ra áp lực rất lớn cho hệ thống chính trị tại địa phương, nhất là giải quyết vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở cho người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045. Theo đó, Biên Hòa sẽ được chuyển từ mô hình “đô thị công nghiệp” sang “đô thị dịch vụ và công nghiệp”.

Mục tiêu đặt ra là phát triển thành phố Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa hiện hữu đã quá chật chội nên việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành trung tâm đô thị mới là điều hết sức rất cần thiết và đúng đắn. Khi trung tâm Biên Hòa hình thành ở khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện nay sẽ có lợi thế kết nối tuyến metro số 1 với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, tạo sức hấp dẫn mà không đô thị nào trong vùng có được.

Lợi thế nữa của đô thị Biên Hòa hiện tại và tương lai là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì thành phố nằm ở vùng đất cao. Dự báo, một phần lớn thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) trong tương lai sẽ bị ngập, do vậy, thời gian tới trung tâm đô thị sẽ dịch chuyển về phía Biên Hòa nên cần có tầm nhìn vùng để phát triển.

(Nguồn:nhandan.com.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website