Quang cảnh Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan.
Cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 điều; dự kiến tập trung giải quyết một số vấn đề chính như thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính nội bộ trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; Bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; Bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; Bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc; Bổ sung quy định cụ thể hơn về Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn hiện nay được quy định chủ yếu tại 2 luật (Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014); đồng thời trong hệ thống pháp luật có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đất đai năm 2024, Luật bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch.
Các quy định liên quan đến quy hoạch đô thị và nông thôn hiện được quy định nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật và tản mạn gây khó khăn trong quá trình thực hiện hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn. Trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại các văn bản pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự hợp hiến, sự thống nhất đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan là yêu cầu cấp bách và đảm bảo thực tiễn phát triển của đất nước.
Đây cũng là yêu cầu đặt ra để kịp thời thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, phát huy được tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh từng vùng đảm bảo gắn kết đô thị và nông thôn phát triển đảm bảo đúng định định hướng, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác quản lý và góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, nhằm góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn, MTTQ Việt Nam đã đưa nội dung này vào kế hoạch phản biện xã hội năm 2024. Trước khi tổ chức phản biện xã hội này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị để xác định những nội dung cần phản biện xã hội; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai … chuẩn bị các nội dung nghiên cứu để tham gia đề xuất các nội dung phản biện.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nghiên cứu tập trung phản biện vào cấu trúc, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và kỹ thuật xây dựng Dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về bảo đảm phù hợp với văn bản của Đảng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về xây dựng và quy hoạch của dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được quy định trong dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về nguồn lực trong xây dựng, quản lý và triển khai quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về quản lý Nhà nước về Quy hoạch trong dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn.
Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung phản biện về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Về tính khả thi của dự án Luật quy hoạch đô thị và nông thôn trong thực tiễn hiện nay ở nước ta hiện nay…
Tránh bệnh hình thức trong việc lấy ý kiến nhân dân đối với quy hoạch đô thị và nông thôn
Nêu ý kiến tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề cập tới nội dung “Tái thiết đô thị”, nội dung này nên được hiểu như thế nào, quy định trong Luật quy hoạch hay luật xây dựng cần được làm rõ.
“Tái thiết đô thị là bỏ cũ, xây mới, cơi nới hay làm mới, đô thị cổ, cũ, xuống cấp, không đạt chuẩn làm lại, hay do thiên tai, địch họa phải tái thiết... Cần giải thích từ ngữ đối với nội dung này”, ông Ngô Sách Thực nêu ý kiến.
Mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, nhưng theo ông Ngô Sách Thực rất cần thiết quy định không gian chiều cao. Ở nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lý thuyết “không gian sinh lời”. Thực tiễn, nhiều khu đô thị ở nước ta phải khống chế chiều cao của các công trình. Nhiều khu dân cư mật độ nhà cao từ 30 đến 50 tầng rất dày. Nếu không có quy định rất khó xử lý vi phạm.
Đề xuất cần có quy định chặt chẽ về thay đổi quy hoạch và hệ quả pháp lý, ông Ngô Sách Thực cho rằng, toàn bộ dự thảo chưa thấy đề cập đến thời gian của các loại quy hoạch đô thị. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch bổ sung nguyên tắc “không phá vỡ quy hoạch chung, bảo đảm môi trường, cảnh quan” là chưa đủ. Vừa qua nhiều khu đô thị thay đổi phân khu, chức năng, cốt đường tạo ra thiệt hại, bức xúc trong nhân dân. Cần phải quy định trách nhiệm nếu điều chỉnh sai, gây thiệt hại cho người dân.
Nhắc tới việc tổ chức lấy ý kiến quy hoạch đô thị và nông thôn, ông Ngô Sách Thực cho rằng, Điều 33 và 34 cần quy định mang tính thiết thực, tránh thủ tục, hình thức. Về lấy ý kiến cộng đồng nên quy định rõ quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu của đô thị nơi cư dân sinh sống trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh. Quy hoạch của tỉnh, của huyện đưa ra lấy ý kiến cộng đồng rất hình thức.
Cũng theo ông Ngô Sách Thực, hình thức lấy ý kiến khu dân cư bằng hình thức hội nghị hay lấy bằng phiếu do khu dân cư lựa chọn quyết định theo quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trách nhiệm của cơ quan lập, điều chỉnh quy hoạch lựa chọn một hoặc nhiều hình thức công khai. Ghi như trong dự thảo mục d) điểm 2 và 3 Điều 34: “Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và quy hoạch được thực hiện bằng một hoặc các hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng oặc phát phiếu điều tra, phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo với các hình thức theo quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở” là chưa phù hợp.
Đồng quan điểm với ông Ngô Sách Thực, TS Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần có các quy định về tổ chức lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp với tính chất, tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của cấp quy hoạch. Bên cạnh đó cần có quy định về số lượng chuyên gia, tiêu chuẩn chuyên gia và quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chuyên gia trong việc tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch. Trong trường hợp này phù hợp nhất là thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tập hợp đông đảo hơn sự tham gia của đội ngũ trí thức, thu hút được nhiều hơn các ý kiến phản biện và tránh được hiện tượng “thân quen” thiếu khách quan trong việc mời chuyên gia tham gia ý kiến.
“Cần có định nghĩ về cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố tham gia ý kiến về quy hoạch, quy định cụ thể đối tượng, thành phần (số lượng) đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch, loại đô thị đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong các hoạt động quy hoạch”, TS. Nguyễn Đình Bồng nêu vấn đề và cho rằng cần bổ sung quy định về trình tự lấy ý kiến đối với từng loại quy hoạch, thời gian tối đa cho việc lấy ý kiến; bổ sung các quy định về chế tài trong trường hợp không tổ chức lấy ý kiến hoặc phát hiện việc lấy ý kiến không đảm bảo quy định.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, tên của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn khác với tên cũ đang dùng là Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Quy hoạch năm 2017 nhằm xây dựng một đạo luật có tính tổng hợp về quy hoạch cho các vùng đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch rất đa dạng, phức tạp và khác nhau giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, giữa quy hoạch toàn quốc, quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ nên rất khó để xây dựng một văn bản tổng hợp như vậy.
Cũng theo PGS.TS Bùi Xuân Đức vấn đề quy hoạch lãnh thổ về bản chất chỉ đặt ra đối với các lãnh thổ quần cư, tức là với các cấp chính quyền mà trọng tâm là các đô thị nguyên bản. Các đơn vị có tính quản lý hành chính như tỉnh, huyện, quận, phường không cần thiết và cũng không có nhu cầu quy hoạch riêng, bởi đã nằm trong quy hoạch tổng thể của quốc gia hoặc của bản thân đô thị gốc.
"Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này nên giữ theo luật cũ là Luật Quy hoạch hay Luật Quy hoạch đô thị, trong đó trọng tâm là điều chỉnh những nguyên tắc lập, quản lý quy hoạch phát triển tổng thể một lãnh thổ - không gian sống quần cư và chủ yếu về lãnh thổ đô thị", ông Đức kiến nghị.
TS Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Luật Xây Dựng, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó cần lưu ý lồng ghép các quy định của Luật Đất đai 2024 về nội dung "Căn cứ lập quy hoạch hoạch đô thị và nông thôn" quy định tại Điều 16. Khoản 1 của Điều này cần chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn là "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt".
Để đảm bảo phù hợp với Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, TS Nguyễn Đình Bồng đề xuất, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn cần bổ sung một Điều có tính nguyên tắc về quyền, trách nhiệm kiểm tra giám sát của Quốc Hội, MTTQ Việt Nam, HĐND các cấp, các tổ chức và công dân trong Chương I Quy định chung. Đồng thời sửa Điều 58 quy định về "quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn" theo hướng tập trung vào quyền kiểm tra, giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam, các tổ chức, công dân liên quan đến hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tăng cường vai trò của MTTQ trong Hội đồng thẩm định về quy hoạch
Là người trực tiếp làm việc, nghiên cứu về công tác quy hoạch, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã là yêu cầu cần thiết được xác định trong chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023. Luật có vị trí quan trọng với nhiều thách thức mới cần được nghiên cứu, đề xuất mới.
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, dự thảo Luật đã xác định thành phần Hội đồng thẩm định là đại diện cơ quan quản lý nông nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và chuyên gia có năng lực. Đề nghị xem xét, bổ xung. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu: "...để nâng cao chất lượng quy hoạch cần tăng cường vai trò MTTQ, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp". Do vậy, dự thảo Luật nên bổ sung rõ trong thành phần Hội đồng thẩm định có sự tham gia của MTTQ Việt Nam.
“Phải đề cập đến vai trò của các chuyên gia đối với việc thẩm định về quy hoạch đô thị và nông thôn; đồng thời khi thành viên Hội đồng có ý kiến phản biện thì phải được phản ánh lên cấp trên có thẩm quyền”, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị và cho rằng luật cũng phải quy định rõ việc giải trình tiếp thu các ý kiến phản ánh của Hội đồng thẩm định.
Về đơn giản hóa lập quy hoạch, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, dự thảo đề cập không yêu cầu lập quy hoạch phân khu với đô thị loại III, IV V (điểm b, khoản 2, điều 5), thống nhất đơn giản hơn về cấp độ, hệ thống quy hoạch. Song cần nghiên cứu tốc độ đô thị hóa sắp tới nhất là Nghị quyết số 25/2022/UBTVQH 15 về sửa đổi, bổ xung, phân loại đô thị. Trong đó xác định đô thị loại III là trung tâm hành chính cấp tỉnh hoặc trung tâm chuyên ngành: kinh tế - tài chính - văn hóa - giáo dục có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh...
“Với dân số trên 200.000 người (chưa điều chỉnh là 100.000 người) và trên 70% lao động phi nông nghiệp. Để thực hiện từng bước và thuận tiện kêu gọi đầu tư rất cần có quy hoạch phân khu. Do vậy, đề nghị chỉnh sửa dự thảo lại là không yêu cầu lập quy hoạch phân khu với đô thị loại IV, V (cấp thị trấn), còn đô thị loại III vẫn cần có quy hoạch phân khu”, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến.