Toàn cảnh phiên họp thẩm định.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi đất nước thực hiện chính sách “đổi mới”, sự phát triển mạnh mẽ điều kiện kinh tế - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi đô thị hoá và phát triển đô thị. Tốc độ đô thị hoá nhanh đã tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội cũng được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Các công trình ngầm tại các đô thị như công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm,…cũng được chú trọng đầu tư, xây dựng, khai thác vận hành.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng phát triển đô thị Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập tác động đến sự phát triển bền vững, cần được tập trung khắc phục. Vì vậy, việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là rất cần thiết.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp đánh giá đề nghị xây dựng Luật cơ bản phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản, Nghị quyết của Đảng để thể chế hoá đầy đủ các đường lối, chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển đô thị; đặc biệt cần xác định đúng và đầy đủ các chủ trương, chính sách liên quan quản lý phát triển đô thị; từ đó đề xuất các chính sách phù hợp, khả thi.
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn nội dung này, đồng thời so sánh với Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở hiện hành và các Luật khác có liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo để thấy rõ đâu là các chính sách có tính kế thừa, đâu là các chính sách mới được bổ sung. Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi của đề nghị xây dụng Luật, đồng chí đề nghị cần lượng hoá kinh phí để triển khai các chính sách mới của Luật.
Còn ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đề nghị rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh để vừa không chồng chéo vừa không bỏ lọt đối tượng điều chỉnh, đảm bảo thống nhất định nghĩa giữa các luật có liên quan. Về phân loại đô thị, ông Thọ cho rằng tiêu chí về dân số đô thị phải được xây dựng phù hợp với tình hình thực tiễn tại từng địa phương; một số đô thị trung tâm đã được thành lập lâu (ví dụ như Hải Phòng có đô thị lõi) cần rà soát tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị; đồng thời phải có cơ sở pháp lý để đánh giá, tổ chức cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp đồng thời khẳng định về sự cần thiết của dự án Luật. Về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cố gắng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các Luật liên quan nhưng cũng không bỏ sót các vấn đề phát triển đô thị.
Đối với 5 nhóm chính sách đề nghị xây dựng Luật, ông Văn cho biết các chính sách đều bám sát Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị. “5 nhóm chính sách này liên quan đến hơn 20 Luật, trong đó có thể đến Luật Quy hoạch đô thị, Luật Cấp thoát nước, Luật Nhà ở… Vì vậy, Luật Quản lý phát triển đô thị được xây dựng với mong muốn sẽ tháo gỡ được các vấn đề mà các Luật liên quan chưa giải quyết được”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nói.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Về phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu kỹ đối tượng để xác định đúng phạm vi, có thể quan tâm thêm vùng nông thôn hoặc vùng phụ cận để phát triển thành đô thị.
Thứ trưởng đề nghị Bộ Xây dựng rà soát kỹ các Luật liên quan để tránh chồng chéo. Về vấn đề không gian ngầm, cần nghiên cứu, gia cố thêm vì đây là vấn đề quan trọng, tạo tiền đề phát triển tại các khu đô thị lớn. Ngoài ra, cần thể chế hoá các mô hình đô thị theo liên kết theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị; tính toán thêm vấn đề phát triển mạng lưới (TOD, đường sắt cao tốc…), phân cấp, phân quyền…