Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm.
Tham dự chương trình khai mạc có bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và hoạt động Văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; các Hiệp hội, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước. Về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành đơn vị liên quan.
Ngày 15/11/2023, thành phố Hải Phòng đã phối hợp cùng Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp - Việt tổ chức thành công Triển lãm ảnh với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”. Sự kiện đã thu hút được đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Tiếp nối thành công của sự kiện và đồng thời để quảng bá hình ảnh thành phố, con người Hải Phòng đến đông đảo người dân cả nước và bạn bè quốc tế; thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Pháp - Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Hôm nay, Triển lãm tiếp tục được tổ chức tại thành phố Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhân dịp hai nước tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Được thành lập vào năm 1888, thành phố Hải phòng đã có bề dầy phát triển hơn một thế kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, với nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến tạo thuở ban đầu của kiến trúc Pháp. Từ một vùng đất ven biển, thành phố Hải Phòng đã phát triển trở thành thành phố Cảng có lịch sử lâu đời và trở thành một trong ba đô thị loại 1 của Việt Nam. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng tạo nên bộ mặt của thành phố, đó chính là Khu đô thị trung tâm, nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, rất có giá trị về kiến trúc, văn hoá và nghệ thuật, thể hiện sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: Trải qua hơn 100 năm, các công trình kiến trúc tại Khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn, được bảo tồn và phát huy giá trị sử dụng, chứng tỏ được sức sống lâu bền trước thời gian. Với hơn 300 công trình biệt thự, trong đó, hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và có giá trị văn hóa - lịch sử, góp phần tạo nên tính toàn vẹn của một di sản đô thị. Tất cả những công trình trên chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của người dân đất Cảng, góp phần tạo nên diện mạo độc đáo không thể trộn lẫn của thành phố Hải Phòng. Đó cũng chính là một trong những tiềm năng, thế mạnh, là cơ sở, nguồn lực để Hải Phòng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.
Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định việc giữ gìn và bảo tồn những công trình văn hóa - lịch sử không chỉ là bảo vệ những giá trị trong quá khứ, mà còn là vun đắp đầy thêm những giá trị ấy, trở nên văn minh hơn, giá trị hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc tiếp cận văn hóa Pháp thông qua các công trình kiến trúc Pháp sẽ góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc. Trên cơ sở đó, tìm ra tiếng nói chung, đồng thời kiến nghị, đề xuất những cơ hội, giải pháp hiệu quả mang tính lâu dài, bền vững để bảo tồn, phát huy giá trị của những di sản này, làm cho chúng được tỏa sáng, đồng thời cũng là sự trân trọng của thế hệ sau đối với những giá trị của lịch sử.
Triển lãm diễn ra từ ngày 26 - 30/4/2024, trưng bày 65 bộ ảnh với 570 hình ảnh có nội dung: bản đồ quy hoạch thành phố qua các thời kỳ (1874, 1885, 1926,…); sự mở rộng, phát triển của thành phố và Quy hoạch thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; không gian công cộng (đường phố chính, quảng trường,…); Trung tâm Chính trị - hành chính mới của thành phố; các công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu tại thành phố Hải Phòng được xếp theo nhóm: công trình giáo dục, công trình tôn giáo, công trình biệt thự…; một số hình ảnh minh họa về công tác bảo tồn ở một số thành phố ở Pháp và Hà Nội; một số hình ảnh minh họa về Lễ khai mạc triển lãm tại Hải Phòng; một số hình ảnh về Di sản thiên nhiên thế giới quần đảo Cát Bà.