Khởi công Dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá Núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Sáng 03/4, thành phố Hạ Long long trọng tổ chức lễ khởi công dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá Núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa quan trọng của thành phố Hạ Long trong năm 2024. Các đồng chí Vũ Quyết Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; PGS - Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia đã đến dự.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án

Hạ Long là vùng đất chứa đựng đậm đặc trầm tích lịch sử, giá trị văn hóa, giàu bản sắc, cốt cách và yếu tố riêng có, với sự quyện chặt của các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tôn giáo, địa - sinh thái vừa mang những giá trị phổ quát của nền văn hóa và con người Quảng Ninh, vừa mang nét riêng có của Hạ Long, là sự thống nhất trong đa dạng, là tài sản vô giá của các thế hệ người Hạ Long. Toàn thành phố có tổng cộng 96 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 6 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và 73 di tích đã được kiểm kê, phân loại. Thêm vào đó, Hạ Long hiện có nhiều di tích khảo cổ được coi là tài nguyên chưa phát lộ và rất quý giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống và làm việc tại thành phố, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong số các di tích ở thành phố Hạ Long, đáng chú ý nhất là Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ, nằm trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Hồng Gai, thuộc trung tâm của thành phố, là nơi gắn kết văn hóa các thế hệ người Việt nối tiếp nhau, được đánh giá là một di sản hết sức đặc biệt bên bờ vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, cần được tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa dân tộc cũng như phát triển du lịch ở thành phố Hạ Long xinh đẹp.

Theo truyền thuyết, mùa xuân Quang Thuận năm 1468, vua Lê Thánh Tông trong một chuyến đi kinh lí duyệt quân ở vùng Đông Bắc xúc động trước vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, đã làm một bài thơ khắc trên vách núi Truyền Đăng, vì thế sau này núi có tên là núi Bài Thơ.

Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ gồm núi Bài Thơ và các công trình trên núi như: Nơi cắm cờ Đảng ngày 1/5/1930; hang số 6 là nơi sơ tán của nhân dân Hồng Gai thời chống Mỹ; chùa Long Tiên; đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn; Đài quan sát và trận địa Phòng không 12,7 ly của Đại đội tự vệ Bạch Đằng; hang Bưu điện, Sở Chỉ huy Phòng không; Phòng mổ Bệnh viện tỉnh; giếng nước 100 năm tuổi đầu phố Chợ Cũ và một số bài thơ cổ khắc trên vách đá. Đó là những công trình đã tạo nên dấu ấn thiêng liêng, là biểu tượng ghi đậm dấu ấn lịch sử về mảnh đất và con người Quảng Ninh.

Ông Vương Phú, nhà nghiên cứu Hán Nôm cho rằng: Chứng cứ lịch sử của Cụm di tích Núi Bài Thờ và Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đã được ghi rõ và trình bày lại cho mọi người cùng chiêm bái, chiêm ngưỡng và cũng là để nuôi dưỡng tinh thần mà Đức Vua đã nêu lên. Đây là một công trình rất tuyệt vời, và văn bia là một minh chứng quan trọng, nhờ có những văn bia cổ đó mà mọi người biết được rằng nơi đây thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

Trong không gian của cụm di tích, Đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là một trong những công trình tâm linh đẹp đẽ và linh thiêng, đang phát huy tốt giá trị trong đời sống đương đại. Đền là nơi thờ con trai cả Hưng Đạo Đại Vương, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu. Ông vốn là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn và là người con tận hiếu, bề tôi tận trung của triều đình. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, ông đã cùng vua cha Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần lập nhiều chiến công lớn, đặc biệt là chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ 3 năm 1288 dẹp giặc ở vùng Đông Bắc đất nước.

Sau khi ông mất, để ghi nhớ công ơn Trần Quốc Nghiễn lúc sinh thời, các chủ thuyền đi qua núi Bài Thơ đã cùng nhau lập đền thờ ông. Cụ thể, đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, xây dựng trên vị trí cao ở sườn núi, mặt hướng ra Vịnh Hạ Long, có kiến trúc chữ Đinh gồm 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung. Bên trong có đầy đủ nghi trượng bát biểu đồ tế khí thờ tự trang trọng. Trong đó, gian chính giữa thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn; hai gian bên thờ Yết Kiêu và Giã Tượng - hai vị tướng tài, có công giúp triều Trần đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, trong khuôn viên của đền thờ có một giếng cổ, mặc dù nằm sát biển nhưng nước giếng ở đây rất trong và ngọt. Ngoài ra, hiện nay đền vẫn còn lưu giữ được 2 tấm bia đá và 5 bức tượng cổ (có từ thế kỷ XIII) do một số chủ thuyền tạc dựng.

Trải qua bao biến động của lịch sử và thời gian, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn cũng đã xuống cấp và nhiều lần được trùng tu bởi các chủ thuyền đánh cá. Lần gần đây nhất, vào năm 2002, nhân dân Hạ Long và các chủ thuyền đã phát tâm công đức cùng nhau trùng tu, tôn tạo ngôi đền khang trang như hiện nay.

Không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người bản địa, đền thờ còn chứa đựng yếu tố lịch sử cùng kiến trúc nổi bật. Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn tổ chức vào ngày 29/4 dương lịch, tức cuối tháng ba âm lịch và nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Du lịch Hạ Long hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Đức Ông với đất nước. Lễ hội diễn ra long trọng với hành trình rước kiệu Đức Ông xa giá từ Đền qua Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật, qua cổng chợ Hạ Long rồi quay trở lại Đền. Không khí lễ rước đông vui, nô nức náo nhiệt, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử, nhân dân và du khách thập phương về dự. Nhiều người có niềm tin mạnh mẽ rằng, trong đám rước kiệu Đức Ông, người lớn chui qua kiệu sẽ gặp nhiều may mắn, trẻ con chui qua sẽ dễ nuôi hơn.

Giá trị văn hóa lịch sử của cụm di tích núi Bài Thơ và Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nói riêng đã được làm rõ qua nhiều hội thảo, hội nghị, qua các sách báo, các công trình khoa học.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội VNDG Quảng Ninh cho biết, công trình có ý nghĩa cả về lịch sử, tâm linh và diện mạo. Đền Đức Ông không phải nơi nào cũng có được, mang ý nghĩa rất lớn cho việc giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngay từ năm 1992, UBND TX Hồng Gai - nay là TP Hạ Long đã phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và Viện Văn học tổ chức hội thảo khoa học để khẳng định các giá trị lịch sử văn hoá quý giá của khu di tích núi Bài Thơ đối với đời sống hiện đại. Sau hội thảo, Cụm di tích đã từng bước được quan tâm, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Ngoài ra, một số công trình nằm trong cụm di tích như: Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên cũng từng bước được quan tâm đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị.

Tại hội thảo khoa học do Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long phối hợp với Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia tổ chức ngày 15/12/2023 với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long”, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa của Cụm di tích núi Bài Thơ và cho rằng Cụm di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ không chỉ là một thắng cảnh đẹp, là nơi lưu giữ những hình ảnh về biểu tượng kiên trung của những chiến sĩ từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Nơi đây còn là địa điểm ghi nhận những sáng tạo văn hoá vô cùng đặc sắc của các triều đại phong kiến Việt Nam khi đứng trước vẻ đẹp kiều diễm của một vùng non nước hữu tình với tên gọi Hạ Long. Ở đó, còn có các công trình kiến trúc hấp dẫn hàm chứa nhiều giá trị lịch sử văn hoá mà ngày nay chúng ta luôn trân trọng ngưỡng mộ và phát huy tác dụng trong cuộc sống hiện đại.

Với ý nghĩa là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ninh và TP Hạ Long, là một biểu tượng thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông Bắc, Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nói riêng và Cụm di tích núi Bài Thơ nói chung cần được đầu tư tôn tạo để xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đó cũng là nhận định chung của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà quản lý văn hoá. Nhưng trước hết, cần phải có một quy hoạch di tích, tạo cơ sở cho việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo nhằm khai thác khu di tích một cách có hiệu quả nhất. Việc bảo vệ nguyên gốc di tích không chỉ là nguyên tắc khoa học mà còn là đối tượng cần phải quan tâm hàng đầu vừa giúp tri ân, nâng niu những di sản văn hóa vô giá mà cha ông để lại. Đồng thời cũng là bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hoá Hà Nội cho biết: Đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá là vô cùng quan trọng. Việc này càng quan trọng hơn đối với Quảng Ninh và TP Hạ Long vốn là một địa phương có tiềm năng văn hoá, có các giá trị văn hoá hết sức tiêu biểu, và nếu chúng ta có một nguồn nhân lực tốt thì chắc chắn các giá trị văn hoá, tiềm năng văn hoá của Quảng Ninh, của TP Hạ Long sẽ được phát huy một cách có hiệu quả.

Với tầm nhìn chiến lược và phát triển bền vững, từ năm 2023, Thành phố đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nghiên cứu, mở rộng không gian phát triển phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, dự án “Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ - Mở rộng, tu bổ, tôn tạo Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn” là một trong những bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững"; xây dựng TP Hạ Long nằm trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế; thành phố của Di sản, Kỳ quan và Văn hóa ẩm thực, nghệ thuật, truyền thông đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu quê hương đất nước.

Thành phố sẽ có những phương án cụ thể để tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực theo hướng đồng bộ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, đảm bảo tính thẩm mỹ, hài hòa với cảnh quan chung, tạo không gian đô thị xanh thân thiện với môi trường và phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái, giới thiệu lịch sử văn hoá, phục vụ cho du khách.

Trong đó, dự án Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ với quy mô diện tích gần 1,2ha. Bao gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ); cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống... Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí GPMB là 154 tỷ đồng. Đến nay đã có 11/37 hộ dân và 3/5 tổ chức nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sớm cho thành phố triển khai thực hiện dự án.

Riêng dự án Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng đang có với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc; giữ nguyên hướng Đền chính tiến hành quy hoạch lại các hạng mục cho đăng đối và hài hòa theo mặt bằng truyền thống của một ngôi đền. Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án này. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban vận động đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ trên 27,3 tỷ đồng. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá để thành phố triển khai dự án Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn

Sau khi mở rộng khuôn viên, khu di tích sẽ có 5 cấp sân nối liền với sân đường giao thông khu quảng trường, khu ban quản lý và khu dịch vụ, bãi đỗ xe, hạng mục Nghi môn, bổ sung thêm các ô cây tạo cảnh quan, bóng mát. Toàn bộ sân được lát đồng bộ bằng đá xanh, cải tạo chỉnh trang lại toàn bộ kè, hệ thống bậc thang và lan can, bó vỉa ô cây bằng đá xanh; hệ thống hạ tầng điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Với ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tính cấp thiết của dự án, nên ngay khi có chủ trương thực hiện, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đã nỗ lực, khẩn trương bắt tay triển khai thực hiện từ thuê đơn vị tư vấn, lập dự án trình phê duyệt, thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công đến công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp kiểm đếm công tác GPMB đảm bảo công khai, minh bạch trên tinh thần có lợi nhất cho người dân và đã nhận được sự động thuận, ủng hộ của các hộ dân có công trình liên quan

Ông Đoàn Hồng Nam, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hồng Gai, TP Hạ Long cho biết: Đến thời điểm hiện tại, đại đa số nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Với 105 hộ dân và 5 tổ chức ảnh hưởng bởi dự án, đã tiến hành kiểm đếm GPMB được trên 70%  khối lượng công việc. Phường sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền để trong thời gian tới nhân dân cùng đồng thuận bàn giao mặt bằng, đồng thời phố hợp chặt chẽ với các phòng ban chuyên môn của TP để tiếp thu các ý kiến của nhân dân, với tinh thần tháo gỡ vướng mắc tối đa, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân, để dự án sớm được triển khai theo tiến độ.

Ông Trần Văn Minh, tổ 32 khu 4, phường Hồng Gai chia sẻ: Chủ trương triển khai chỉnh trang đô thị rõ ràng là có lợi cho toàn dân, vì thế chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và xung phong chuyển đi để cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ.

Anh Vũ Đình Cường, tổ 32 khu 4, phường Hồng Gai cho biết: Từ lâu, tâm linh đã trở thành văn hoá tín ngưỡng của người Việt Nam nói chun. Gia đình tôi đã nhận thức được điều đó và ủng hộ ngay từ đầu nhận được thông tin chủ trương dự án. Chúng tôi đã bàn giao chìa khoá nhà và sổ đỏ đầu tiên cho Ban quản lý dự án.

Sở dĩ công trình nhận được sự ủng hộ rộng khắp vì đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của nhân dân. Và hơn ai hết, nhân dân cũng chính là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và chuyển trao những di sản văn hoá mà mình đang nắm giữ. Theo cách đó, di sản văn hoá sẽ sống mãi với cộng đồng và trong không gian cộng đồng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Giá trị bao nhiêu thì trách nhiệm bảo tồn càng lớn bấy nhiêu, và việc bảo tồn bắt đầu và cuối cùng phải từ ý thức con người, nhận biết rằng điều đó mang lại sự giàu có cho chúng ta nhưng đồng thời sự giàu có đó đòi hỏi chúng ta phải bồi đắp và gìn giữ. Sức mạnh lớn của Hạ Long đó chính là vị trí được liên kết với các vùng.

PGS TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cho đưa ra ý kiến rằng: Để có được sản phẩm văn hoá, những sản phẩm du lịch mang tính độc đáo của địa phương thì phải phát huy được tính sáng tạo của cộng đồng cư dân của thành phố Hạ Long, trên đất Hạ Long.

Phát biểu tại Lễ khởi công, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất, tập trung máy móc, thiết bị thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình; phấn đấu hoàn thành dự án sớm hơn tiến độ đề ra. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng, mỹ thuật, tiến độ công trình, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong suốt quá trình thực hiện dự án; thực hiện giải ngân, thanh quyết toán dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng tiến độ và quy định của pháp luật; Cùng với đó, các phòng, ban, đơn vị Thành phố, cấp ủy, chính quyền phường Hồng Gai thực hiện tốt công tác phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị thi công trong quá trình triển khai dự án; kịp thời giải quyết vướng mắc, báo cáo Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền. Phát huy vai trò của Ban giám sát cộng động và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác giám sát quá trình thi công thực hiện dự án.

Những giá trị văn hoá đặc sắc và đậm nét của Cụm di tích núi Bài Thơ nói chung, Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nói riêng sẽ là niềm tự hào của người Hạ Long, sẽ được mỗi người dân và du khách nhân lên, lan toả và chuyển trao cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Để chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án, ngay từ đầu năm 2024, thành phố đã thành lập Ban vận động huy động nguồn lực xã hội hóa để kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đối với dự án này. Tính đến thời điểm hiện tại, Ban vận động đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ trên 27,3 tỷ đồng. Đây là nguồn lực vô cùng quý giá để thành phố triển khai dự án Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Với thời gian thi công trong khoảng 300 ngày và phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025, sau khi công trình hoàn thành, đây sẽ là một sản phẩm du lịch tâm linh của TP Hạ Long thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân đến chiêm bái, ghi nhớ công ơn của Đức Ông và các thế hệ cha ông và là công trình được lựa chọn để gắn biển chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và Đại hội Đảng bộ TP Ha Long, nhiệm kỳ 2025 - 2030, đồng thời hướng tới mục tiêu “quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long là thành phố của đổi mới sáng tạo, thành phố của di sản, hoa và lễ hội, thành phố kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”.

(Nguồn:halongcity.gov.vn)
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website