Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 vừa được UBND TP.HCM trình Hội đồng nhân dân Thành phố cho thấy, Thành phố đã nghiên cứu, cập nhật vào đồ án khu Đô thị lấn biển Cần Giờ, ngoài khu vực trung tâm, thành phố phía Đông (thành phố Thủ Đức); đồng thời định hướng thành lập 5 đô thị với lộ trình thực hiện 3 đô thị hình thành trước năm 2030 (gồm đô thị Nam Thành phố, đô thị phía Tây, đô thị phía Bắc) và 2 đô thị hình thành sau năm 2030 (đô thị Củ Chi và Cần Giờ).
Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ được bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Thành phố đã nghiên cứu, đề xuất việc phát triển đô thị theo định hướng phức hợp gồm khu đô thị tri thức sáng tạo (Khu giáo dục đại học tại xã Hưng Long, huyện Bình Chánh), khu đô thị sinh thái (khu vực huyện Cần Giờ), công viên sinh thái (khu vực Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh và khu vực Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân).
Đồ án xác định, đến năm 2030 quy mô dân số TP.HCM là 11 triệu người, đến năm 2040 là 13 triệu người, đến năm 2050 là 14,5 triệu người và đến năm 2060 là 16 triệu người. Về phân vùng TP.HCM, đồ án đưa ra các vùng gồm vùng đô thị trung tâm gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, quận Bình Tân, một phần quận 12 với tổng diện tích khoảng 17.000 ha.
Vùng đô thị phía Đông gồm thành phố Thủ Đức với tổng diện tích khoảng 21.000 ha; vùng đô thị phía Bắc – Tây Bắc gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, một phần quận 12, có tổng diện tích khoảng 58.500 ha. Vùng đô thị phía Tây gồm phần lớn huyện Bình Chánh có tổng diện tích khoảng 23.300 ha; vùng đô thị phía Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, toàn bộ huyện Cần Giờ, có tổng diện tích 93.300 ha.
Về định hướng phát triển không gian, đồ án xác định 3 vùng chống ngập và 3 khu vực không gian ngầm cho Thành phố; xác định mô hình tập trung đa cực. Trong đó, trong phạm vi vành đai 2 (Quốc lộ 1, Nguyễn Văn Linh) sẽ là không gian tái thiết, chỉnh trang đô thị, hình thành các khu vực động lực phát triển đô thị mang tính sáng tạo, thương mại, dịch vụ đa chức năng; tập trung chỉnh trang, bảo tồn, tái phát triển khu lõi trung tâm chính của TP.HCM.
Trong phạm vi vành đai 3 sẽ là không gian đô thị thể hiện sự tôn trọng hiện trạng phát triển, tổ chức sắp xếp tăng độ nén tại các khu vực nhà ga metro, khu vực lân cận các nút giao thông trọng điểm theo mô hình TOD, tạo quỹ đất để bổ sung cây xanh, hình thành các trung tâm đô thị, các khu vực động lực phát triển đô thị chuyên ngành. Trong khi đó, không gian ngoài vành đai 3 sẽ giảm phát triển dàn trải tự phát, hướng tới phát triển tập trung tại các khu vực có điều kiện kết nối giao thông vùng tốt.
Đồ án đề xuất 17 trọng điểm phát triển TP.HCM gồm vùng trung tâm Sài Gòn mở rộng, công viên phần mềm Quang Trung (đã hình thành), khu C30 quận 10 (tái phát triển), khu Tân Kiên (đã hình thành các chức năng y tế), khu Vĩnh Lộc, Thủ Thiêm (đang triển khai), Phú Mỹ Hưng (mở rộng), khu Hưng Long, khu Tân Thuận (chuyển đổi), khu công nghệ cao TP.HCM (đã hình thành), khu Linh Trung, khu Tam Đa - Long Phước, khu Trường Thọ, khu Tân Phú Trung - Tân Thới Hiệp - Tân Nhị - Tân Thạnh Đông (phát triển mới), khu Trung An - Hoà Phú (phát triển mới), khu đô thị nước Bình Khánh, khu đô thị lấn biển Cần Giờ và vùng Cần Thạnh mở rộng.
Về giao thông đối ngoại, đồ án bổ sung việc kéo dài trục động lực phía Nam Nguyễn Hữu Thọ, kết nối với sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai đến quốc lộ 20; kết nối, khép kín các tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn TP.HCM; bổ sung ga hành khách tại Phú Mỹ Hưng; chuyển đoạn tuyến đường sắt Hòa Hưng – Bình Triệu – An Bình thành đường sắt đô thị.
Đối với giao thông đối nội, đồ án đề xuất 5 tuyến đường giao thông tốc độ nhanh, khác mức; kéo dài đường Phạm Hùng về phía Nam, kéo dài đường Võ Văn Kiệt về phía Tây, bổ sung tuyến đường ven sông kết nối từ huyện Củ Chi đến cầu Cần Giờ; mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai metro, bổ sung 3 tuyến LRT/BRT. Đề xuất bỏ 6 tuyến buýt nhanh (BRT) do đã được đảm bảo bởi mạng lưới đường sắt mới; bố trí 3 bến tàu khách quốc tế tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ, công viên Mũi Đèn Đỏ và Bến Nghé; phát triển cảng biển và trung tâm logistics tại Cần Giờ; xây dựng và hoàn thành 8 tuyến metro xuyên tâm, 2 tuyến metro vành đai, 1 tuyến tram/LRT ven sông.